Chiều 11/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Đây là cuộc họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới sau kiện toàn.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vì Covid-19, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuỳ mức độ khó khăn. Ước tính "gói" giảm lãi suất của 16 nhà băng này khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2021.
Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cũng cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi nhà băng 1.000 tỷ đồng. Bốn ngân hàng lớn này cũng cam kết giảm 100% các loại phí cho TP HCM và các địa phương đang giãn cách xã hội.
Như vậy, tổng giá trị giảm lãi suất từ phía ngân hàng cho các đối tượng bị tác động bởi Covid-19 từ nay tới cuối năm khoảng 24.300 tỷ đồng.
Ông Tú nói thêm, năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay 1,2-1,5%. Bảy tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất vay cũng giảm thêm khoảng 0,5% so với 2020.
"Lãi suất là chính sách quan trọng với doanh nghiệp, nên Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp", ông Tú nói và nhấn mạnh thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát để việc giảm lãi suất của các nhà băng là thực chất, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Cùng với giảm lãi suất của ngành ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện gói hỗ trợ giảm thuế, phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này đã được Chính phủ đồng ý.
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Tài chính cho biết, gói hỗ trợ miễn giảm thuế phí lần này dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm 50% thuế phải nộp cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chịu tác động nặng nề vì Covid-19 như vận tải, du lịch, lưu trú khách sạn... Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho tất cả đối tượng khó khăn.
"Chúng tôi đang hoàn thiện và sẽ báo cáo Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất, để chính sách sớm được thực thi", ông Chi thông tin.
Ông Chi nói thêm, ước tính hỗ trợ thuế, phí, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất... từ năm 2020 đến nay khoảng 118.000 tỷ đồng.
Liên quan tới hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Thứ trưởng Tài chính nói thêm, dự kiến trong tháng 8 HoSE giao dịch trở lại theo lô 10 sau khi hệ thống được nâng cấp ổn định. Tuy nhiên, ông cũng nói, việc này còn tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh tại TP HCM, bởi "hiện tình hình Covid-19 tại HoSE đang rất phức tạp, Sở cũng ghi nhận các ca F0".
Trước đó, từ đầu tháng 6, các phiên giao dịch của HoSE liên tục gặp trục trặc khiến Sở này phải ra quyết định tạm dừng giao dịch buổi chiều để ngăn chặn sự cố. HoSE cũng phải nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, sau đó từ 100 lên 1.000 (nhưng không thực hiện), chuyển niêm yết một số doanh nghiệp ra sàn Hà Nội và tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh.
Từ ngày 5/7, hệ thống giao dịch chứng khoán mới tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chính thức đi vào vận hành và nhận nhiều phản hồi, đánh giá tích cực. Việc hệ thống vận hành thông suốt góp phần tạo bệ đỡ cho dòng tiền của nhà đầu tư.
Anh Minh