Quyết định này của Chính phủ đưa ra trên cơ sở đề xuất trước đó của Bộ Tài chính.
Như vậy, trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ phòng, chống dịch của các bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao, còn lại các bộ, ngành, địa phương sẽ phải giảm ít nhất một nửa kinh phí tổ chức hội nghị, công tác trong, ngoài nước. Cộng với khoản tiết kiệm từ chi thường xuyên còn lại của năm nay, ngân sách sẽ có thêm khoản tiền bổ sung cho phòng, chống Covid-19, tăng chi cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Bộ Tài chính được giao báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính các "địa chỉ" cắt giảm cụ thể trước ngày 20/6 tới.
Cùng đó, Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản chi phí thường xuyên đã giao, nhưng đến hết 30/6 chưa phân bổ hoặc phân bổ nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu... Ngoài ra, các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết khác cũng sẽ được thu hồi, dành để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và địa phương cho việc phòng, chống Covid-19 và chiến lược vaccine.
Theo Bộ Tài chính, đến nay ngân sách đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho phòng, chống Covid-19. Trong đó, ngân sách Trung ương chi hơn 6.100 tỷ đồng bổ sung mua sắm vật tư, thiết bị y tế phòng Covid-19, còn lại là hỗ trợ cho địa phương. Bên cạnh đó, khoảng 13.100 tỷ đồng được Nhà nước chi để hỗ trợ cho hơn 13 triệu đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng, lao động bị mất việc... gặp khó khăn do dịch.
Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì, cùng các bộ, ngành có giải pháp duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa, toàn cầu. Bộ này cũng được yêu cầu cùng Bộ Tài chính, Giao thông vận tải rà soát, giảm tối đa chi phí vận chuyển, kho bãi, chi phí logistics khác...
Anh Minh