Đội ngũ pháp lý của Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị bắt ở Canada hồi cuối năm 2018, thời gian qua đã nỗ lực đưa ra nhiều lập luận để tòa án Canada bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ theo yêu cầu của Washington. Tuy nhiên, ông Gary Botting, luật sư về luật dẫn độ ở Canada, cho rằng việc này không dễ dàng khi Canada thường lựa chọn thực hiện yêu cầu dẫn độ từ Mỹ.
"Hơn 90% các vụ dẫn độ mà tôi từng làm giữa Canada và Mỹ, Mỹ thường là bên đưa ra đề nghị dẫn độ và trong gần như tất cả trường hợp, phía Canada sẽ chấp nhận đề nghị. Điều đó dường như đã trở thành thói quen rồi", ông Botting chia sẻ trong buổi phỏng vấn trực tuyến với báo chí tại Hà Nội. "Nếu như Mỹ bảo Canada nhảy đi, Canada sẽ hỏi lại là nhảy cao thế nào?"
Luật sư Canada cho rằng Canada thường không bắt giữ và cũng không có thẩm quyền để bắt giữ một lãnh đạo của tập đoàn nước ngoài khi vụ việc liên quan không xảy ra trên lãnh thổ Canada, trừ khi có yêu cầu từ luật pháp quốc tế. Nhưng trong trường hợp bà Mạnh, Canada đã làm theo yêu cầu từ Mỹ.
Bà Mạnh, 48 tuổi, con gái tỷ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei, bị Canada bắt khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa gạt các ngân hàng nước này và vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, đồng thời muốn Canada dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei sang Mỹ để xét xử.
Nhóm pháp lý của Huawei đang tiếp tục tập trung vào bằng chứng cho thấy cảnh sát và biên phòng Canada đã vi phạm quyền của Mạnh Vãn Chu, do thẩm vấn và khám xét thiết bị của bà trong ba tiếng ở sân bay khi chưa có lệnh bắt. Đồng thời, họ cũng tìm cách chứng minh việc cơ quan chức năng của Canada trao đổi thông tin về bà Mạnh với cảnh sát Mỹ và can thiệp của chính quyền Mỹ trong vụ việc này là không hợp pháp.
Luật sư Botting cho rằng việc trao đổi thông tin giữa cảnh sát hai nước Canada và Mỹ khó trở thành lập luận có lợi cho vụ án bà Mạnh. "Cơ quan cảnh sát Canada hoàn toàn có thể lập luận rằng họ đã hợp tác cùng cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhiều lần rồi và đó giống như quy trình làm việc thông thường thôi", ông nói.
Botting cho rằng "sẽ là một quy trình dài" để tòa án Canada bãi bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh, khi các thẩm phán nước này vẫn "lưỡng lự" trong việc đưa ra quyết định. Ông thêm rằng bà Mạnh chỉ có thể không bị dẫn độ nếu phía Mỹ chủ động gỡ bỏ các cáo buộc của họ.
Song ông không loại trừ khả năng vụ dẫn độ giám đốc Huawei có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng mới giữa Canada với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây bày tỏ "thất vọng" với quyết định của Biden về việc thu hồi giấy phép của đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 9 tỷ USD.
"Khả năng sẽ có những thỏa thuận có đi có lại giữa hai bên. Ví dụ Canada nêu điều kiện nếu Mỹ muốn nước này tiếp tục dẫn độ, Washington phải dừng việc can thiệp vào dự án đường ống dẫn dầu hoặc phải cung cấp cho Canada một triệu liều vaccine Covid-19. Nếu Mỹ không đồng ý, Canada có thể sẽ nói rằng 'chúng tôi sẽ để bà Mạnh trở lại Trung Quốc'", ông Botting nhận định.
Thanh Tâm