Bryce McRae, một sĩ quan thuộc Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA), làm chứng tại Tòa tán Tối cao British Columbia hôm 30/10. Anh cho biết đã nhận được một yêu cầu bất thường từ FBI, hỏi xin số điện thoại của người trực ban vào hôm sau, ngày giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu dự kiến tới Canada.
McRae cho hay cuộc gọi từ nữ nhân viên của FBI kéo dài khoảng "một hai phút" và "bất thường". Anh đã nói cho cô này biết mình là người đi làm hôm đó và cho cô số của mình, dù không hiểu tại sao nhân viên FBI lại xin số điện thoại.
Theo McRae, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trên thực tế đã không gọi cho đặc vụ tại Sân bay Quốc tế Vancouver vào hôm sau 1/12/2018, khi Mạnh Vãn Chu bị bắt lúc quá cảnh tại sân bay Vancouver.
Đội luật sư của Mạnh lập luận FBI đã âm mưu cùng CBSA, cảnh sát liên bang Canada và những cơ quan khác tiến hành "một cuộc điều tra tội phạm bí mật" tại thời điểm bà bị bắt.
Mạnh Vãn Chu, 48 tuổi, bị bắt theo yêu cầu của Mỹ khi quá cảnh ở sân bay Vancouver trên đường tới Mexico. Bà bị cáo buộc nói dối ngân hàng HSBC về các giao dịch giữa Huawei với công ty Skycom của Iran, khiến ngân hàng này gặp rủi ro vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Washington muốn Ottawa dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Mạnh Vãn Chu tuyên bố mình vô tội và đang kháng án từ Vancouver, nơi giám đốc tài chính Huawei bị quản thúc tại gia và bị giám sát bởi một đơn vị an ninh tư nhân tại nhà trong khu phố Shaughnessy.
Việc kiểm tra chéo nhân chứng trong tuần này là một phần của phiên điều trần dẫn độ Mạnh Vãn Chu sang Mỹ. Luật sư của Mạnh lập luận thân chủ đã bị vi phạm quyền lợi trong quá trình bắt giữ, như mật mã các thiết bị điện tử bị khám xét và chia sẻ thông tin với cảnh sát.
Công tố viên của chính phủ Canada đang cố chứng minh bà Mạnh bị bắt đúng theo quy trình và bất kỳ sai lầm nào trong quá trình bắt giữ cũng không ảnh hưởng tới hiệu lực dẫn độ.
Trước đó, Scott Kirkland, một sĩ quan biên phòng khác, người đã thẩm vấn Mạnh Vãn Chu trước khi cảnh sắt bắt bà, cho biết đã "đỏ mặt" khi nhận ra mình đã phạm sai lầm, trao mật khẩu điện thoại của bà cho cảnh sát.
"Tôi đã rất xấu hổ khi nhận ra mình phạm phải sai lầm đó", Kirkland nói khi bị luật sư Mona Duckett hỏi tại sao Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) lại có mật mã và phương thức nhận dạng các thiết bị điện tử của bà Mạnh mà Kirkland đã lưu lại.
Thời gian nhân chứng khai báo diễn ra chậm hơn dự kiến. Tòa án đã lên lịch thêm 4,5 ngày để lấy thêm lời khai vào giữa tháng 11, ngoài một tuần thứ hai được ấn định vào cuối tháng 11. Tòa án có thể xếp thêm ba ngày nữa vào tháng 12.
Các phiên điều trần về vụ dẫn độ Mạnh Vãn Chu dự kiến kết thúc vào tháng 4 năm sau, dù việc kháng cáo có thể khiến vụ án kéo dài nhiều năm.
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào căng thẳng, khi Bắc Kinh tố Ottawa "đồng lõa" với Washington trong nỗ lực hạ bệ tập đoàn Huawei và lập tức bắt hai công dân Canada với cáo buộc làm gián điệp.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)