Những ngày đầu năm mới, Nguyễn Đoàn Việt Phương, hiện làm việc ở quận 1, bắt đầu trở lại phòng tập với bài chạy bộ và nâng tạ. Bận rộn với guồng quay công việc và gia đình, tập luyện khiến anh được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực.
Năm 2010, Việt Phương tốt nghiệp đại học với cân nặng 90 kg. Anh nhanh chóng có công việc ổn định tại một cơ quan truyền thông với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, kể từ khi sống độc lập, có nhiều tiền trong tay, cộng thêm các biến cố gia đình, đổ vỡ trong tình yêu, anh buông thả bản thân với lối sống nhậu nhẹt thâu đêm.
"Thời gian đó, cứ tan làm là tôi lao vào ăn uống, nhậu, ngủ trong vòng quay luẩn quẩn. Những ngày thứ ba có khuyến mãi bánh pizza mua một tặng một, tôi đem về hai cái và chai nước ngọt 5 lít, ăn hết bánh rồi uống 5 lít nước ngọt sau đó lên giường ngủ", anh Phương nhớ lại.
Một buổi sáng năm 2014, khi thức dậy, anh cảm nhận cơ thể uể oải mệt nhoài đến nỗi không thể ra khỏi giường. Anh bước lên bàn cân, con số tăng vọt lên 120 kg. Đến bệnh viện khám, bác sĩ nói: "Men gan của cậu cao gấp 11 lần người bình thường. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chỉ có chết".
Trở về từ bệnh viện, thất vọng về bản thân cộng với nỗi đau sau chia tay người yêu, anh nhịn ăn nguyên một tuần, kết quả sụt 5 kg. Khi ấy anh không thể đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang vì thân hình nặng nề đè lên các khớp.
Anh bắt đầu đến phòng tập và đạp xe, chạy bộ trên máy. Đồng thời anh thay đổi chế độ dinh dưỡng, loại bỏ thức ăn nhanh, đồ uống có ga, đường ra khỏi thực đơn. Anh mua cân về tự cân đo đong đếm thực phẩm trước khi nấu để tính lượng calo nạp vào. Các món ăn chủ yếu là luộc, hấp, không ăn đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ.
"Tôi không ăn tinh bột sau 17h, không ăn bất cứ thứ gì sau 19h. Trước khi tập tôi uống một ly cà phê để tăng khả năng đốt cháy mỡ", anh Phương chia sẻ. Sau 5 tháng kiên trì, anh giảm được 15 kg.
Khi về mốc 100 kg, Việt Phương bắt đầu tăng cường chạy bộ trên máy. Mỗi ngày anh dành 4 giờ để chạy bộ, đây là môn thể thao giúp đưa trọng lượng về mốc 90 kg. Sau khi giảm mỡ, da anh bị chùng, nhão, phải hướng tập luyện sang tập tạ, nâng dần từ mức nhẹ đến nặng. Sau nửa năm tập luyện, đến cuối 2015, anh giảm còn 80 kg.
"Đoạn khó giảm cân nhất là từ 80 kg xuống 65 kg. Lúc này cần kiên trì và tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt, lành mạnh, đảm bảo đúng lượng calo nạp vào mỗi ngày", anh chia sẻ. Ở thời điểm này, lượng calo trung bình người đàn ông nạp vào mỗi ngày dưới 1400.
Đến năm 2016, anh Phương đạt mục tiêu giảm cân thành công về mức 65 kg. "Không biết dùng lời nào dễ diễn tả niềm hạnh phúc khi ấy, cảm giác vô cùng tuyệt vời", Phương nói.
Tuy nhiên gầy quá cũng không đẹp nên anh chuyển sang tập tạ để tăng cơ. "Khác với giảm cân, ở chế độ tăng cơ, sau khi tập cần nạp thêm tinh bột nên lúc này tôi tiêu thụ 1.800-2.000 calo mỗi ngày", anh Phương cho biết. Anh tập luyện theo lịch trình thứ 2, 3, 4, nghỉ thứ 5 sau đó tập thứ 6, 7 và nghỉ chủ nhật. Năm 2017, anh nặng 70 kg, thân hình săn chắc, cơ bụng 6 múi.
"Trong quá trình giảm cân quan trọng nhất là ý chí. Hãy nghĩ đến thành quả để kiên trì. Mọi cố gắng đều sẽ cho trái ngọt, không gì là không thể đạt được với nỗ lực không ngừng", Việt Phương chia sẻ.
5 bài học kinh nghiệm giúp Việt Phương giảm cân thành công:
1. Tính lượng calo nạp vào thấp hơn calo tiêu thụ. Lượng calo trong thời điểm giảm cân của Phương được khống chế dưới 1400 mỗi ngày. Nên sử dụng cân tiểu ly và tự nấu ăn tại nhà để tính chính xác lượng thực phẩm sử dụng trong ngày và lượng calo nạp vào.
2. Cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm không lành mạnh như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ngọt... Hạn chế tối đa chế biến nhiều dầu mỡ như chiên, xào, rán; ưu tiên hấp, luộc, nướng.
3. Uống nhiều nước, thay nước uống có ga, đồ uống có cồn... bằng nước lọc.
4. Không ăn tinh bột sau 17h và không ăn bất cứ thứ gì sau 19h.
5. Kiên trì tập luyện đều đặn, có thể là chạy bộ trên máy, đạp xe đạp, tập thể hình... Uống một ly cà phê trước khi tập cũng sẽ giúp tăng khả năng đốt mỡ.
Lê Cầm