Trần Trung Tín (1933 - 2008) là một diễn viên, nhà thơ, họa sĩ. Không ít người cho rằng tranh của ông không phải tác phẩm hội họa, nhưng cũng rất nhiều người khẳng định Trần Trung Tín là một họa sĩ lớn của Việt Nam. Mặc cho những ý kiến trái chiều, nhiều lớp văn nghệ sĩ coi ông là danh họa có sức ảnh hưởng lớn, tranh của ông cũng được nhiều nhà sưu tập nước ngoài ưa thích.
Trần Trung Tín sinh ra ở vùng châu thổ sông Cửu Long, tham gia kháng chiến khi mới 12 tuổi. Chiến tranh kết thúc, ông tập kết ra Bắc, được tuyển vào trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên. Khi chiến tranh chống Mỹ bùng nổ, ông tìm cách biểu đạt nỗi đau thương cùng sự bền bỉ của một dân tộc trong chiến tranh. Từ năm 1969 tới 1975, ông vẽ hàng trăm bức màu dầu trên giấy báo, sau 1975, ông về Sài Gòn, sống cuộc đời họa sĩ và thực hiện nhiều bức vẽ trên giấy ảnh.
Có một thời gian dài, không ai chịu nhìn nhận Trần Trung Tín biết vẽ, cho tới khi thị trường châu Âu sưu tập tranh ông, mua với mức giá khoảng 8.000 USD mỗi bức. Từ năm 1989 đến nay, Trần Trung Tín đã có khoảng 12 triển lãm cá nhân cả ở trong nước và quốc tế. Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn tại Singapore, Nhật, Anh, và có mặt trong nhiều bộ sưu tập lớn. Học giả, nhà nghiên cứu mỹ thuật đương đại Sherry Buchnan đã nghiên cứu và thực hiện một cuốn sách dày dặn về tranh và thơ Trần Trung Tín, xuất bản năm 2002.
Sinh thời Trần Trung Tín không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về mỹ thuật. Mọi thứ ông vẽ ra ban đầu không phải với mục đích hội họa, mà là một phương tiện để tỏ lộ những ưu tư, triết lý và các cảm thức mang tính thơ ca của ông. Tuy nhiên, chính việc dùng màu, bố cục… không theo nguyên tắc, lý thuyết hội họa đã tạo nên sự độc đáo trong tranh Trần Trung Tín. Bởi thế, họa sĩ Bùi Xuân Phái từng nhận định "Màu của Tín là màu trời cho". Những tạo hình trong tranh ông tưởng chừng ngô nghê, vụng dại mà chứa đựng nhiều ý nghĩa, liên tưởng và đầy tính nhân văn. Màu sắc trong tranh Trần Trung Tín không chỉ đẹp, tự nhiên mà nó như chứa đựng âm vang của cảm xúc, tình cảm.
Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm hôm 18/10, nhà thơ, dịch giả Dương Tường - một người bạn của Trần Trung Tín kể lại: Hồi đó Bùi Xuân Phái thường rủ tôi tới chỗ Tín chơi. Ông Phái thích tranh của Tín lắm. Chúng tôi tới căn hầm trong ngôi nhà của Tín trên phố Nguyễn Biểu xem Tín vẽ. Thời buổi khó khăn tới mức Tín phải vẽ trên giấy báo, màu là màu thừa xin được từ xưởng vẽ của đoàn phim. Tín cũng thường lấy tem phiếu, lương tháng đổi lấy những tuýp màu dầu dùng dở dang để vẽ". Nói về tranh của Trần Trung Tín, dịch giả Dương Tường nhận xét: "Đừng đưa tranh của Tín vào một trường phái, phong cách nào cả. Tín vẽ để biểu đạt tâm hồn, một cách tự do, bản năng nhất. Bùi Xuân Phái cũng nói với tôi rằng Tín là con sơn ca hót trên sa mạc, lúc đó ông Phái nói nếu tranh của Tín được bày ở Paris, hẳn sẽ rất nhiều người thích".
Còn đạo diễn Tự Huy - một người bạn của Trần Trung Tín nhớ lại: Chúng tôi thường đi uống bia với nhau, tôi nghe những lời giải thích và bình luận nhiệt thành của một người nghệ sĩ đang sung sướng đến mê mẩn. Tôi hiểu rằng, anh đã tìm ra cách vượt lên trên cái thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống.
Nhà văn Châu Diên - người sống cùng thời và bạn của Trần Trung Tín giải thích về bức tranh được lấy tên làm tiêu đề triển lãm: Bi kịch lạc quan là bức tranh đầu tiên Tín bán được, nhưng người mua đã tặng tranh lại cho tác giả khi ông ấy rời Việt Nam. Bức tranh được vẽ trong lần đoàn chiếu phim của Nga sang chiếu nhiều bộ phim, Trần Trung Tín và các bạn trường Điện ảnh đi xem rất vui vẻ, rồi về cắt tóc ba phân kiểu Othello. Bức Bi kịch lạc quan được Tín vẽ như một chân dung tự họa, thể hiện những quan điểm của Tín về việc đi xem phim, thưởng thức nghệ thuật cũng như là chút lạc quan trong cuộc sống khốn khó thời đó. Và ẩn đằng sau đó, bức tranh, cũng như nhiều bức họa khác, thể hiện cách sống, thái độ sống luôn tự do, hân hoan thoát khỏi thời cuộc của tác giả.
Ông Kwok Kian Chow - giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore nhận xét về tranh Trần trung Tín: Trong bối cảnh nghệ thuật Đông Nam Á, tác phẩm của Trần Trung Tín khác thường ở sức mạnh biểu hiện, cùng hình thức thuần khiết... Phải 25 năm sau, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam mới lại có thể tiếp thu những nguồn cảm xúc từ tác phẩm của ông. Bảo tàng Nghệ thuật Singapore thật may mắn khi sở hữu 11 tác phẩm của một trong những họa sĩ hàng đầu Việt Nam như thế.
Hiện tại, người sở hữu tranh Trần Trung Tín nhiều nhất là bà Huỳnh Nga - vợ ông, đồng thời là chủ gallery Không Gian Xanh (một địa chỉ về nghệ thuật đương đại ở TP HCM). Bi kịch lạc quan là triển lãm lớn nhất của Trần Trung Tín từ trước tới nay. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 19/10 tới hết ngày 30/10.
*Một số tác phẩm trong triển lãm |