Phố - một hoạ phẩm của Bùi Xuân Phái. |
- Có thể xem gì trong bộ sưu tập của anh ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, TP HCM?
- Tôi bắt đầu sưu tập trước hết theo ý thích và theo cảm nhận về tính tiêu biểu. Chẳng hạn, với các họa sĩ thuộc thế hệ trường Mỹ thuật Đông Dương, hiện tôi có các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Gia Trí. Về thế hệ hoạ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, tôi có các tác phẩm của Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân... Thế hệ họa sĩ trưởng thành ở miền Nam trước năm 1975, tôi có các tác phẩm của Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, còn ở miền Bắc có Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Nguyễn Quân, Lê Huy Tiếp, Nguyễn Xuân Việt, Trần Trung Tín... Hoạ sĩ thế hệ đổi mới thì có các tác phẩm của Đặng Xuân Hoà, Đỗ Hoàng Tường, Trần Trọng Vũ, Lê Quảng Hà, Hoàng Hồng Cẩm, Hà Trí Hiếu, Đỗ Minh Tâm, Lê Thiết Cương... Về điêu khắc, tôi có tác phẩm của các tác giả: Lê Công Thành, Nguyễn Hải, Nguyễn Quân, Đào Châu Hải, Nguyễn Hải Nguyễn, Phan Phương Đông và Phan Gia Hương.
- Có những tin đồn xung quanh việc người ta bảo anh bán tranh giả của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Thực hư của chuyện này thế nào?
- Hình như ai cũng phải chung sống với những tin đồn về mình. Khi anh càng được nhiều người biết đến thì rõ ràng áp lực của đủ loại tin đồn dồn lên anh càng lớn: có những tin đồn chỉ như chuyện đùa chơi, có những tin đồn phá vỡ cuộc sống bình yên của anh, có những tin đồn thúc đẩy anh đi tới. Nhưng anh vẫn phải chung sống với chúng.
Ở đây tôi chỉ lưu ý một thực tế rằng thế giới của những người làm công việc sưu tầm, chơi tranh hay kinh doanh nghệ thuật, ở đâu cũng vậy, nếu là thế giới của những người chuyên nghiệp thì chắc chắn không thể có những con người dại khờ. Vì vậy rất khó mà qua mặt họ. Mà có qua mặt được, thì chắc chắn cũng khó hơn được một lần. Thêm nữa, cũng cần lưu ý rằng chúng ta đang sống trong thời đại thông tin và với các phương pháp khoa học mà hầu như mọi thứ đều có thể xác minh, kiểm chứng, kiểm tra được. Trong một thế giới như vậy, lừa dối người khác là tự cản trở chính mình.
- Anh có thể nói cụ thể hơn, làm thế nào để chứng minh một bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là thật?
- Mỗi bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái trong sưu tập của tôi đều có hồ sơ lưu trữ và được xác nhận từ gia đình cố hoạ sĩ về kích thước, chất liệu, thời gian, tình trạng tác phẩm. Mặt khác, kiến thức của người mua cũng đóng góp vai trò quan trọng.
- Quan điểm của anh về nghề sưu tập?
- Tôi sưu tập bắt đầu chỉ vì yêu thích tranh Bùi Xuân Phái. Nhưng rồi khi đã có một số tác phẩm thì chính nhu cầu về tính hệ thống đã kéo tôi đi. Ban đầu là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của Bùi Xuân Phái qua từng thời kỳ. Tiếp theo là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của các hoạ sĩ tiêu biểu cùng thời với Bùi Xuân Phái. Tiếp đến là các họa sĩ tiêu biểu trước ông và sau ông... Nhu cầu này hết sức tự nhiên. Nhưng càng ngày tôi càng hiểu ra rằng tính chuyên nghiệp của một nhà sưu tầm trước hết và chủ yếu thể hiện ở ý thức về tính hệ thống. Công việc của tôi hiện tại là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống sưu tập của mình, bổ sung và sàng lọc theo hướng đi đã hình thành. Tôi nhắm đến một giá trị tinh lọc.
- Vấn đề pháp lý của bảo tàng tư nhân hiện nay thế nào?
- Một cơ sở pháp lý rõ ràng cho sự tồn tại của hệ thống bảo tàng tư nhân đó chính là điều mà chúng tôi đang chờ đợi.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)