Buổi đọc sách và diễn kịch về “Hoàng tử bé” do Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam phối hợp L'Espace tổ chức nằm trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu lần thứ ba tại Việt Nam. Ông Vũ Hoàng Giang - Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam - chia sẻ, mặc dù “Hoàng tử bé” đã khá quen thuộc với độc giả Việt qua bản dịch đầu tiên từ năm 1966 của Trần Thiện Đạo và một số dịch giả khác, từ trước tới nay vẫn chưa có bản dịch nào chính thức có bản quyền. Nhân dịp 70 năm "Hoàng tử bé" ra đời (cuốn sách xuất bản tại Pháp năm 1943), Công ty Nhã Nam cho ra đời bản dịch mới với bản quyền do Nhà xuất bản Gallimard chuyển nhượng. Ông Giang hy vọng việc giới thiệu cuốn sách "Hoàng tử bé" đồng thời thể hiện tiểu thuyết trên sân khấu sẽ góp phần làm phong phú thêm việc dịch và tiếp nhận tác phẩm thiếu nhi kinh điển này đến các thế hệ độc giả.
![a1-jpg-1368927510-1368927671_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/05/19/a1-jpg-1368927510-1368927671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CulQRKhowUhGQI7UO3vQJw)
Khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp sáng 18/5 sặc sỡ và nhộn nhịp khi các em thiếu nhi từ mẫu giáo tới trung học ăn vận như hoàng tử, nhà vua, bông hoa hồng, con cáo, con rắn để hóa thân vào các màn diễn kịch và đọc diễn cảm tác phẩm nổi tiếng của Antoine de Saint-Exupéry. Các em không chỉ thể hiện bằng tiếng Việt mà còn nói tiếng Pháp, tiếng Anh, trên nền nhạc ca khúc “Le Petit Prince”. Trong lúc học sinh háo hức được lên sân khấu, các cô giáo bận bịu nhắc nhở và chỉnh trang cho các học trò nhỏ ở hậu trường. Phía dưới khán phòng, các ông bố bà mẹ thích thú chiêm ngưỡng những màn trình diễn đáng yêu, thông minh pha chút ngây ngô của con mình.
Qua hình thức biểu đạt trên sân khấu, câu chuyện về hoàng tử nhỏ, sống ở một tiểu tinh cầu với bông hoa hồng xinh đẹp dần mở ra. Các em lần lượt đưa người xem vào chuyến chu du của hoàng tử tới những hành tinh khác trong vũ trụ - nơi cậu gặp một ông vua thích cai quản cả thế giới, gặp gã khoác lác chỉ muốn nghe những lời ngon ngọt, gặp nhà doanh nghiệp bận rộn với việc đếm các ngôi sao, gặp người thắp đèn ở tiểu tinh cầu một phút xoay một vòng khiến ông không có phút nào ngơi nghỉ, gặp nhà địa lý…
![2013-05-18-430-jpg-1368927424_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/05/19/2013-05-18-430-jpg-1368927424-500x0-1368927589-1368927671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OAzLPB5Ua0Mft4FZ_A5L4Q)
Cuối cùng, khi đến trái đất, hoàng tử bé đau khổ khi gặp một vườn hoa với những bông hoa giống hệt bông hồng xinh đẹp ở hành tinh của cậu. Thế rồi con cáo xuất hiện, nói với hoàng tử rằng bông hoa của cậu là duy nhất vì nó do chính tay cậu chăm sóc, nuôi trồng. Nhận ra rằng không đâu bằng tiểu tinh cầu và bông hồng xinh đẹp của mình, hoàng tử nhờ con rắn dùng nọc độc của nó đưa cậu trở về nơi sống ban đầu.
Câu chuyện với những triết lý sâu xa về tình bạn, tình yêu, cuộc sống được hiện lên sinh động và dễ hiểu khiến không chỉ các em mà người lớn cũng thích thú. Chị Phạm Thị Minh Hằng - phụ huynh cháu Đoàn Minh Đức, học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội - cho biết bé nhà chị góp mặt trong phần diễn kịch bằng tiếng Anh. "Các con tự học thuộc và chia đoạn để diễn, sau đó các mẹ đưa các con đến tập ghép thành vở. Các con duyệt với nhau chỉ hai buổi còn chủ yếu tự học ở nhà. Tôi thấy hoạt động này rất có ý nghĩa với các con. Các con có cơ hội hiểu sâu về nhân vật hoàng tử bé nổi tiếng của tác giả người Pháp và còn được trải nghiệm phong cách biểu diễn trên sân khấu”. Theo chị Hằng, khi hướng dẫn con tập kịch, bản thân chị cũng tìm đọc cuốn sách để hiểu thêm về câu chuyện và cảm thấy có rất nhiều điều thú vị từ “Hoàng tử nhỏ”.
Trịnh Anh Đức - học sinh lớp 4M, trường tiểu học Nam Thành Công - cho biết, đây là lần đầu tiên bé biết đến "Hoàng tử nhỏ". Cậu bé được giao vai con rắn trong đoạn gần cuối tác phẩm. Đức hồn nhiên chia sẻ: “Cháu thích nhất vai rắn. Trong đoạn kịch, cháu đối thoại với hoàng tử bé. Chấu ấn tượng nhất với cảnh con rắn cắn vào cậu bé”. Đức cho biết, khi lớn lên, cháu sẽ tìm đọc tiểu thuyết về cậu hoàng tử đáng yêu này.
![2013-05-18-441-jpg-1368927425_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/05/19/2013-05-18-441-jpg-1368927425.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XhAPDHM9EbN7RqVG3y3Clw)
Cô giáo Hoa đến từ trường tiểu học Nghĩa Tân - người trực tiếp hướng dẫn các em - cho biết, đơn vị cô có sáu cháu tham gia đóng kịch bằng tiếng Pháp, với ba vở: hoàng tử bé với hoa hồng, hoàng tử bé và người thắp đèn và hoàng tử bé với nhà địa lý. "Khi tôi đưa kịch bản để tập luyện, các cháu rất hăng say và thích thú với những câu chuyện như thế này. Tác phẩm có các nhân vật, tình huống và đặc biệt là nhiều mẩu đối thoại phù hợp với các cháu". Cô Hoa cho biết, ở ngôi trường dạy song ngữ Việt - Pháp, học sinh của cô thường được tổ chức đóng kịch, hát múa bằng tiếng Pháp, qua đó giúp các em biết được nhiều tác phẩm nổi tiếng của châu Âu.
Dù chương trình còn hơi nhộn nhạo do đông em nhỏ và khâu tổ chức chưa thật kỷ luật, thi thoảng gặp trục trặc về âm thanh do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể thấy, buổi trình diễn đã góp phần làm sôi nổi không khí của Những ngày Văn học châu Âu, đồng thời đưa nhân vật "hoàng tử nhỏ" đến gần với các em học sinh.
Song Ngư