Những ngày văn học châu Âu do Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/5 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ sự kiện lần thứ ba diễn ra ở Việt Nam, chín quốc gia gồm Đan Mạch, Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Bỉ và Ba Lan sẽ giới thiệu những cuốn sách của họ vừa được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Bạn đọc sẽ có cơ hội tiếp cận những tác phẩm từ kinh điển tới đương đại, truyện kể, sách cho các độc giả trẻ, truyện tranh cho mọi lứa tuổi.
Một trong những tâm điểm của chương trình là sách cho trẻ em và các độc giả trẻ tuổi. Thụy Sĩ giới thiệu “Wilhelm Tell, xạ thủ huyền thoại”, câu chuyện nổi tiếng về người anh hùng của mình theo cách hoàn toàn mới. Ba Lan tham gia với tiểu thuyết tuổi teen “Cô gái không là gì” và Pháp giới thiệu sách kinh điển “Hoàng tử nhỏ” cùng series sách khoa học dành cho độc giả trẻ về những đề tài cơ bản như nguồn gốc loài người và vũ trụ, tôn giáo, triết học và không bạo lực. Sự kiện cũng sẽ giới thiệu series truyện vui về thị trấn Lúc Búc do các nhà văn họa sĩ Việt Nam sáng tác dưới sự hỗ trợ, tư vấn trực tiếp của nhà văn Sally Altschuler và họa sĩ Tove Krebs Lange (trong khuôn khổ dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch).
Bên cạnh đó, những cuộc tọa đàm, trình diễn sân khấu bằng tiếng Pháp, đọc sách và trao đổi với nhà văn của các nước tại Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace và Trung tâm Casa Italia sẽ giúp độc giả Việt đến gần với văn học châu Âu hơn. Độc giả sẽ được tham dự cuộc trò chuyện với “Tiểu thuyết gia Anh trẻ xuất sắc” Evie Wyld, với nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia Ruben Abella của Tây Ban Nha... Viện Goethe mời khán giả tham dự buổi giới thiệu về tác giả Franz Kafka với hai tác phẩm mới xuất bản ở Việt Nam - “Thư gửi bố” của chính nhà văn và “Phút tráng lệ cuối đời” của Michael Kumpfmüller viết về cuộc đời Kafka. Góc văn học Italy sẽ dành để giới thiệu “Hiệp sĩ không hiện hữu” và “Tử tước chẻ đôi” của nhà văn Italo Calvino. Khán giả cũng sẽ được xem một vở kịch dựng theo tác phẩm của một tác giả kinh điển nổi tiếng người Bỉ do các sinh viên Đại học Hà Nội biểu diễn.
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà xuất bản hỗ trợ với các quầy sách trong Viện Goethe bán với giá ưu đãi.
Các hoạt động của Những ngày Văn học châu Âu: Thứ sáu, 17/5: 10 - 12h: Tại Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu): Khai mạc với bài phát biểu của Đại sứ Italy, trao đổi về đề tài“Văn học là gì?” và Đọc sách với Rubén Abella về “Văn học và nhiếp ảnh”. 14 - 17h: Tại L’Espace (24 Tràng Tiền): Giới thiệu sách “Cô gái không là gì” của Tomek Tryma do Lê Bá Thự dịch và bộ sách “Dành cho thanh thiếu niên thế kỷ XXI”. 18 - 21h: Tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học): - Trao đổi với nhà văn Anh Evie Wyld. - Lễ trao giải cho người đoạt giải nhất của cuộc thi dịch Đức - Việt. - Giới thiệu về nhà văn Kafka, đọc và giới thiệu cuốn “Thư gửi bố” của Franz Kafka và “Phút tráng lệ cuối đời” về cuộc đời của Franz Kafka. Thứ bảy, 18/5: Tại Viện Goethe - 9h - 10h30: Họa sĩ Tove Krebs Lange và nhà văn Sally Altschuler người Đan Mạch chia sẻ về tầm quan trọng và kỹ năng đọc sách cho trẻ từ 3 - 5 tuổi. - 10h30 - 12h: Đọc sách và minh họa bằng âm nhạc, cuốn sách “Thủy thần nhỏ” với sự tham gia của TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh và dịch giả Tạ Quang Hiệp. 15 - 18h30: - Giới thiệu sách “Wilhelm Tell, xạ thủ huyền thoại” của Jürg Schubiger (dành cho trẻ em trên 10 tuổi và phụ huynh). - Giới thiệu “Hiệp sĩ không hiện hữu” và “Tử tước chẻ đôi” của Italo Calvino. - Tọa đàm bàn tròn với các nhà văn Anh, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Việt Nam. Tại L’Espace 9 - 11h: Đọc sách và các hoạt động dành cho trẻ em về chuyện trẻ em “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry. 19 - 21h: Đọc sách và diễn kịch. |
Song Ngư