Ngô Thanh Vân nói: "Chưa dự án nào của tôi gian nan đến vậy khi phải liên tục dời lịch chiếu vì đại dịch. Với sự đầu tư của êkíp hơn 300 người, tôi mong sự trở lại của Trạng Tí lần này vẫn được khán giả đón nhận". Phim ra rạp hôm 30/4, sau bốn ngày phải ngừng chiếu vì rạp ở TP HCM đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát. Sau khi bị rút khỏi rạp, phim không phát hành trên nền tảng online như một số tác phẩm cùng thời điểm.
Theo Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim chỉ thu về 17,5 tỷ đồng. Tác phẩm có kinh phí 43 tỷ đồng - thuộc hàng cao nhất trong các phim Ngô Thanh Vân từng ra mắt, chủ yếu ở khâu kỹ xảo đồ họa và bối cảnh.
Ngoài ảnh hưởng vì dịch, doanh thu Trạng Tí chịu tác động một phần bởi hiệu ứng truyền miệng của khán giả. Trước khi phim ra rạp, nhiều fan Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc) đòi tẩy chay vì nhà sản xuất làm việc với công ty Phan Thị - công ty nắm bản quyền truyện, thay vì hợp tác với họa sĩ Lê Linh - cha đẻ bộ truyện. Khi đó, êkíp khẳng định quá trình mua bản quyền và thực hiện bộ phim đúng theo pháp luật, đồng thời giải thích Lê Linh chỉ có quyền tác giả với bốn nhân vật của truyện tranh, quyền sở hữu vẫn là công ty Phan Thị.
Từng khốn đốn khi phim bị kêu gọi tẩy chay, Ngô Thanh Vân cho biết cân nhắc lại kế hoạch làm các phần tiếp theo của Trạng Tí. Cô nói: "Tôi không muốn làm một phim có nội dung tốt nhưng bị khán giả chỉ trích bởi những yếu tố ngoài lề".
Phim xoay quay Tí - cậu bé vốn nổi tiếng thông minh ở làng Phan Thị. Vì gia đình nghèo, không có cha, cậu thường bị khinh khi. Một ngày, Tí cùng nhóm bạn Sửu, Dần, Mẹo quyết tâm lên đường tìm thầy Thích Thông Tuệ ở chùa Phật Quang để biết cha cậu là ai. Trên đường đi, nhóm trẻ gặp nhiều hiểm nguy như bị bắt cóc, đối đầu với nhóm cướp, bị lừa đến đền Thần Hổ.
Phim ghi điểm ở phần bối cảnh, dàn dựng. Không gian làng Phan Thị - nơi ở của các nhân vật chính - được dựng lên, khắc họa cuộc sống miền quê với mái nhà tranh, cầu tre, quán xá, lễ hội đình làng... Êkíp ghi hình từ Bắc đến Nam, như đầm Vân Long (Ninh Bình), cây gạo thôn Đoài (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)... Phần kỹ xảo góp phần tạo nên nhiều thước phim có hình ảnh thu hút khán giả, đồng thời là bước tiến so với Tấm Cám (2016) - phim cùng thể loại của Ngô Thanh Vân.
Diễn xuất tương đối tròn trịa của các diễn viên nhí đem đến nhiều cung bậc cảm xúc. Bốn nhân vật được định hình với tính khác biệt: Tí Sún thông minh, đa cảm, Dần Béo hồn hậu, thương người, Sửu Ẹo nhút nhát, mít ướt, Cả Mẹo tự phụ, hay khoe khoang. Cách các nhân vật đối đáp gây cười theo lối hài tình huống, tạo cảm giác chân thật. Điểm trừ của phim nằm ở thời lượng khá dài - gần hai tiếng so với một phim thiếu nhi, kịch bản ôm đồm nhiều tình tiết.
Truyện Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị thực hiện - ra mắt năm 2002. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh. Truyện tranh gốc, bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho tới nay - hơn 220 tập, là tác phẩm ăn khách. Truyện có thêm các bộ liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học...
Ngoài Trạng Tí, phim 1990 (đạo diễn Nhất Trung) - quy tụ Lan Ngọc, Diễm My 9x, Nhã Phương và Chìa khoá trăm tỷ (đạo diễn Võ Thanh Hòa) - Kiều Minh Tuấn, Thu Trang đóng - dự kiến ra rạp dịp Tết Nhâm Dần.
Mai Nhật