- Cảm xúc của anh ra sao khi được Tòa án sơ thẩm (quận 1, TP HCM) tuyên thắng kiện quyền tác giả "Thần đồng đất Việt"?
- Tôi rất vui mừng và hài lòng khi phán quyết của tòa thống nhất với sự thật mà tôi cố gắng công bố bấy lâu nay. Tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, người thân và các độc giả theo dõi vụ kiện qua trang Facebook cá nhân. Đến giờ, tôi vẫn chưa trả lời hết tin nhắn của mọi người. Thành công bước đầu của vụ kiện có sự đóng góp, ủng hộ rất lớn từ công luận. Tôi biết ơn vì điều đó.
- Trong quá trình đi kiện, anh đối mặt với những thử thách nào?
- Trở ngại lớn nhất là thủ tục hành chính khiến quá trình đi kiện của tôi kéo dài suốt 12 năm. Ngoài ra, tôi không nhận được sự hợp tác từ bị đơn - công ty Phan Thị. Nhiều lần tòa mời hòa giải nhưng họ không lên. Cuộc sống cá nhân của tôi bị ảnh hưởng nhiều. Tôi vừa theo sát vụ kiện, vừa phải làm việc để nuôi gia đình, lo các con học hành. Hiện tôi nhận vẽ kiến trúc lẫn mỹ thuật, chưa có thời gian sáng tác truyện.
Riêng về thiệt hại tài chính, tôi vẫn chưa thể thống kê vì liên quan đến yếu tố pháp lý, còn phải bàn bạc nhiều với luật sư. Tất nhiên, chừng ấy năm đi kiện, kinh tế của tôi bị đảo lộn ra sao thì người ngoài cũng có thể hình dung được.
- Trong một lần xét sơ thẩm, anh bật khóc giữa tòa. Vì sao vậy?
- Đó là khi chủ tọa hỏi tôi: "12 năm xét xử như vậy, ông có ý kiến gì không", trước khi tòa họp nghị án. Câu hỏi như chạm trúng nỗi ức chế của tôi nhiều năm qua, khiến tôi không kiềm được cảm xúc. Tôi vẽ một bộ truyện tranh nổi tiếng như Thần đồng đất Việt là từ chất xám, trí tuệ của một họa sĩ, nhưng trong phiên xử đó, luật sư phía bị đơn lại ví tôi như một người chép lại bài thơ từ một nhà thơ mù để phủ nhận tôi là tác giả, đó là điều không thể chấp nhận. Nhiều năm qua, không ít lần tôi đã phải bật khóc như thế.
- Phía bị đơn sẽ kháng cáo. Anh chuẩn bị ra sao cho lần xử phúc thẩm?
- Trong các phiên tòa sơ thẩm qua, hai bên đã đưa ra hầu hết lập luận, chứng cứ của mình. Hội đồng xét xử đã xem xét rất kỹ tài liệu, văn bản của hai phía. Tôi nghĩ, phiên tòa phúc thẩm tới cũng sẽ theo trình tự như thế. Còn việc Phan Thị có cung cấp những tình tiết mới nào không là việc của họ, tôi không quan tâm.
- Anh có những dự định gì với bộ truyện "Thần đồng đất Việt"?
- Từ rất lâu, tôi đã muốn tiếp tục sáng tác bộ truyện này, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì quyền sở hữu vẫn là phía Phan Thị. Từ tập 78 khi tôi ngừng cộng tác, họ vẫn tiếp tục khiến tinh thần chung của bộ truyện bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, việc triển khai tiếp khá phức tạp. Ngoài ra, tôi cũng chưa nghĩ gì nhiều vì phải theo đuổi phiên phúc thẩm tới.
- Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân có kế hoạch chuyển thể "Thần đồng đất Việt" lên màn ảnh rộng. Anh nghĩ gì?
- Tôi biết tin này nhưng thời gian qua tập trung vào vụ kiện nên không tìm hiểu kỹ. Hôm trước, nhà làm phim có trao đổi với tôi và bày tỏ thiện chí hợp tác, song họ muốn đợi kết quả vụ kiện để xác định kỹ về tác giả. Tôi rất hoan nghênh điều đó.
- Từ vụ việc của bản thân, anh nghĩ gì về vấn đề tác quyền ở Việt Nam?
- Tôi mong sẽ có môi trường pháp lý an toàn hơn cho các họa sĩ truyện tranh nói riêng và tác giả nói chung. Chỉ có như vậy, các nghệ sĩ mới sáng tác được hết khả năng. Đơn cử, vụ của tôi được xét xử trong thời gian quá dài, làm giảm không ít năng lực sáng tạo của họa sĩ. Các tác giả lẫn công ty, doanh nghiệp cũng cần nhận thức sâu sắc về quyền tác giả để tránh những hành vi sai trái.
Họa sĩ Lê Linh hợp tác với bà Mỹ Hạnh và công ty Phan Thị vẽ bộ Thần đồng đất Việt từ năm 2002 đến năm 2005. Sau tập 78, anh ngừng sáng tác, các tập tiếp theo do các họa sĩ khác làm việc cho công ty. Năm 2007, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền với Cục bản quyền tác giả, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả với anh. Anh khởi kiện để giành quyền tác giả duy nhất. Tòa án Nhân dân TP HCM thụ lý đơn kiện.
Năm 2008, sau ba lần hòa giải không thành, vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử thì được phát hiện không thuộc thẩm quyền của Tòa án TP HCM. Sau đó, vụ án được chuyển xuống Tòa án quận 1 xét xử. Sau ba lần hòa giải khác, vụ án bị đình lại, chờ giải quyết đơn khiếu nại của bị đơn trên Tòa án Nhân dân Tối cao. Trong thời gian đó, công ty Phan Thị vẫn tiếp tục sáng tác các tập tiếp theo.
Đến giữa năm 2015, vụ án được đổi thẩm phán phụ trách, xử lại từ đầu. Năm 2016, Bộ Văn hóa thành lập Trung tâm giám định quyền tác giả, Lê Linh yêu cầu tòa án trưng cầu giám định để xác định anh hay bà Hạnh là tác giả duy nhất. Trong năm 2018, tòa triệu tập bốn lần các đương sự nhưng không có mặt đầy đủ hai bên. Đến ngày 28/12/2018, tòa sơ thẩm xét xử lần một nhưng hoãn vì bị đơn vắng mặt.
Sau bốn lần xét xử, đến ngày 18/2, Lê Linh được tòa công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và bốn hình tượng nhân vật trong truyện: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh ba kỳ liên tiếp trên báo. Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng (yêu cầu ban đầu của nguyên đơn là 20 triệu đồng).
Thần đồng đất Việt lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh. Tác phẩm còn có các bộ truyện liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học, Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa.... Đây được coi là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất đến nay (hơn 220 tập).
Mai Nhật thực hiện