Thứ hai, 6/1/2025
Thứ năm, 15/8/2019, 18:00 (GMT+7)

Thời trang thập niên 1960, 1970 trong 'Once Upon a Time in Hollywood'

Trang phục màu đất, váy mini, kính phi công, bốt go-go...trong 160 phút phim, tái hiện thời vàng son của Hollywood.

Trailer Once Upon a Time in Hollywood
 
 

Once Upon a Time in Hollywood đặt bối cảnh ở kinh đô điện ảnh Hollywood vào cuối thập niên 1960, xoay quanh câu chuyện về Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) - một diễn viên phim cao bồi hết thời - cùng bạn diễn đóng thế lâu năm Cliff Booth (Brad Pitt) cố gắng tìm lại hào quang. Tại liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, giới chuyên môn ví von tác phẩm như "bức thư tình" đạo diễn Quentin Tarantino muốn gửi tặng Hollywood.

Toàn bộ trang phục trong phim mang đậm phong cách của giai đoạn giao thoa từ cuối những năm 1960 đến đầu 1970, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của nhà thiết kế Arianne Phillips. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong cả lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, bà là cộng sự kiêm stylist lâu năm của "nữ hoàng nhạc pop" Madonna. Arianne từng hai lần nhận đề cử Oscar cho thiết kế phục trang trong Walk the Line (2005) của James Mangold và W.E. (2011) của Madonna. 

Fashionista đánh giá Arianne Phillips đã thể hiện tốt sự thay đổi thời thế thông qua trang phục, đúng như thông điệp đạo diễn muốn truyền tải. Những mảnh hồi ức của thập niên 1960 và 1970 như chân váy chữ A, kính phi công, bốt go-go (loại bốt thấp gót vuông), trang phục denim và da... xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. 30 - 50% trang phục trong phim do Phillips tự thiết kế. Phần còn lại là thành quả của những ngày bà lang thang khắp các cửa hiệu đồ vintage như Western Costume, Palace Costume… ở Los Angeles, California (Mỹ).

Ngoài áo da, nhân vật của Leonardo thay đổi quần áo ở nhiều phân cảnh, có lúc mặc blazer và quần âu chỉnh tề, khi giống một ngôi sao vụt sáng đoạn từ Italy trở về. Lúc đó, Leonardo mặc đỏm dáng như một quý ngài châu Âu với khăn quàng cổ in hoa, quần âu đỏ cam và áo len kẻ sọc có cổ. Tóc từ kiểu pompadour (chải ngược ra sau) đổi sang sideburn lãng tử (nuôi dài tóc hai bên và vén gọn ra sau). Ở phân cảnh này, vợ của nhân vật mặc jumpsuit ren đỏ ngầm thông báo "thập niên 1970 đến rồi".

Nhân vật của Brad Pitt gắn liền hình ảnh trẻ trung ở đầu thập niên 1970.

Xuyên suốt phim, khán giả thấy anh mặc áo phông trắng in logo của thương hiệu Champion, áo sơ mi Hawaii màu vàng, kết hợp quần jeans và kính phi công Ray-Ban. Theo Hollywood Reporter, sau khi phim công chiếu, Champion thông báo "cháy hàng" mẫu áo phông này.

Ngoài hai nhân vật chính, bộ phim cũng nhấn mạnh vào phong cách thời trang của Sharon Tate (Margot Robbie) - người hàng xóm nổi tiếng của Dalton, vốn là minh tinh Hollywood bạc mệnh trong vụ thảm sát "Gia đình Manson" ngoài đời thực năm 1969.

Trên Vogue, Phillips cho biết di sản thời trang của Sharon Tate khá đồ sộ. "Hai vợ chồng Sharon và Roman Polanski đều là những người sành điệu ở London. Cô ấy toàn mặc đồ hiệu nổi tiếng của Rudi Gernreich, Jean Muir, Betsey Johnson, Courrèges, Paraphernalia và Ossie Clark. Sống ở châu Âu từ nhỏ, Sharon có gu thời thời trang tuyệt vời: tinh tế và tự do", nhà thiết kế nói. Cả Phillips và đạo diễn Tarantino đều phải lòng chiếc áo khoác dáng dài da trăn của thương hiệu Ossie Clarke mà Sharon Tate từng mặc trong buổi công chiếu phim Rosemary's Baby năm 1968 nên họ quyết định tái hiện thiết kế này.

Theo Tarantino, thập niên 1960 phải có đầm baby doll, tua rua và nhuộm màu loang, nhưng để có thể mang dấu ấn Hollywood một cách ấn tượng thì chỉ có váy mini kết hợp bốt go-go là tuyệt nhất. Sharon cũng mặc nhiều đồ màu đen trắng, vì vậy nhà thiết kế chọn minidress trắng và áo len cổ lọ đen cho những cảnh quay năng động của Margot ở Pháp. 

Bộ đồ da màu vàng gồm crop top và quần shorts trong phân cảnh bữa tiệc của Playboy là đồ nguyên bản của hãng Ossie Clarke mà Sharon Tate từng diện ngày trước. Phillips tìm thấy nó trong tiệm đồ cổ Timeless Vixen ở Los Angeles (Mỹ). Để khắc họa nhân vật chân thực nhất, Phillips đã tìm đến Debohra Tate - chị gái của minh tinh quá cố - mời bà làm cố vấn và tủ quần áo của Sharon đã trở thành nguồn tư liệu quý giá cho đoàn phim. Ngoài quần áo, nhà thiết kế còn được mượn bộ trang sức của Sharon Tate.

Với nhân vật Lý Tiểu Long (Mike Moh), trong quá trình lùng sục khắp các cửa hiệu đồ cổ để tìm một chiếc áo khoác chauffeur (áo khoác hai hàng nút của tài xế), Phillips vô tình phát hiện một chiếc còn gắn mác đã sờn cũ thêu dòng chữ "Lý Tiểu Long". "Đó là một khoảnh khắc xuất thần chỉ có ở Hollywood", nhà thiết kế 56 tuổi chia sẻ trên Hollywood Reporter. Bà đã nâng niu món đồ này như một bảo vật của đoàn phim.

Những vai diễn phụ cũng được Phillips chăm chút thiết kế đến từng chi tiết. Với các thành viên phản diện nhà Manson, Phillips muốn mượn trang phục tạo ra hình ảnh "những người trẻ lạc lối" trong thời kỳ ấy. Nhà Manson đại diện cho phong cách hippie, nhưng đó không phải kiểu retro hippie của con nhà giàu hay các ban nhạc rock, thay vào đó là vẻ nghèo khổ, cố chấp giữa giao thoa thời đại. Vì vậy, không có những tầng tầng lớp lớp áo quần, tua rua trang trí hay kiểu nhuộm tie-dye cầu kỳ, mà chủ yếu là denim xanh phủi bụi lâu ngày và cắt xẻ của nhà mốt Levi’s. Ngoài ra, trang phục cho các nhân vật này còn có đầm smock (loại đầm ngắn bằng thun xếp ly), quần short, crop-top đan móc… những thứ gợi lên sự nổi loạn.

Sao Mai (Ảnh, video: Sony Pictures Entertainment)