Len trâu là nét đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ, chỉ việc người dân dẫn trâu lên vùng cao tìm cỏ, khi vạn vật chìm trong biển nước. Trong dịp Tết Tân Sửu, tiểu cảnh mùa len trâu được bày ở một số trục đường lớn của TP HCM mang hàm ý nghênh xuân, vừa nhắc lại những khổ cực của nông dân xưa.
Mùa len trâu từng được lưu giữ sống động trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ra mắt năm 2004. Đạo diễn gửi gắm thông điệp về sự khó nhọc cũng như khát vọng về cuộc sống tương lai sung túc, giàu có, an lành của người dân Nam Bộ. Đến nay, tác phẩm vẫn là một phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, được nhiều thế hệ nhắc đến.
Khán giả nhớ mãi hình tượng bầy trâu gắn với phận người. Phim bắt đầu với hình ảnh miệt vườn Cà Mau, khi vạn vật chìm trong biển nước. Kìm (Lê Thế Lữ), chàng thanh niên hiền lành nơi đất mũi buộc phải đi len trâu, sinh tồn qua ngày. Sự khắc nghiệt của mùa nước nổi đã làm người thanh niên chất phác, thật thà dần thay đổi tâm tính. Anh trở nên cáu gắt hơn, sẵn sàng ẩu đả với lũ côn đồ để giành giật địa bàn.
Cuộc đời Kìm trải qua nhiều biến cố. Không chỉ mất cả cha lẫn mẹ, anh còn phải chịu đựng nỗi đau đớn khi biết thân phận thực sự của mình. Số phận Kìm giống như hình ảnh của mùa nước nổi, cứ lênh đênh không tìm được bến đỗ.
Trong Mùa len trâu, con trâu có ý nghĩa quan trọng với gia đình Kìm. Cặp trâu là phương tiện sinh tồn, là công cụ duy nhất giúp cả nhà anh sống sót qua mùa lũ. Hình ảnh con trâu hàng ngày vượt qua biển nước mênh mông để lên vùng cao tìm cỏ giống gia đình Kìm hàng ngày vật lộn với cuộc sống bấp bênh. Khi một trong hai con trâu chết vì đuối sức, khán giả cảm nhận rõ sức nặng cơm áo, sự uất ức đè lên vai chàng trai trẻ.
Nam chính Lê Thế Lữ tạo dấu ấn nhờ những phân đoạn diễn cảnh sinh tồn cùng động vật.Trên phim, có nhiều cảnh quay tạo cảm giác trâu và Kìm hòa làm một. Không chỉ vì trang phục của Kìm chủ yếu là áo đen - như màu da trâu, mà còn vì con trâu khổ bao nhiêu, khán giả cũng cảm nhận được Kìm khổ bấy nhiêu.
Trước khi tham gia Mùa len trâu, Thế Lữ ở thành phố nên việc nhà nông lạ lẫm với anh. Để hoàn thành vai diễn, trong vòng một tháng, diễn viên nhiều lần chạy xe cả trăm cây số, từ trung tâm TP HCM xuống vùng Nhơn Trạch - Đồng Nai, xin các em mục đồng cho tập cưỡi trâu. Anh còn tập bơi ở Thủ Thiêm, nơi nhiều nắng gió, để da sạm đi cho phù hợp tạo hình nhân vật.
Trâu nổi tiếng là loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt, giống nhân vật Kìm ở độ tuổi trẻ trung, khỏe mạnh. Mỗi khi Kìm xuất hiện, anh luôn toát ra nguồn năng lượng sôi sục, tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của bản thân và những người trong gia đình.
"Mùa len trâu" dùng những góc quay mang nhiều dụng ý nghệ thuật.
Trong điều kiện đặc biệt khó khăn về địa hình, nhà quay phim Yves Cape vẫn mang đến phần hình ảnh chất lượng. Sử dụng những góc quay ngang thẳng, trực tiếp, phim khắc họa được chân dung của Kìm cùng chú trâu "gia bảo", nằm lạc lõng giữa biển trâu của bọn giang hồ. Phim cũng có nhiều cảnh quay cận tạo cảm xúc mạnh mẽ, như khuôn mặt mệt mỏi của cha mẹ Kìm khi một con trâu chết, hay cảnh trời mưa xối xả, giọt mưa như kim châm liên tục dội vào mặt cả người và trâu.
Các góc quay đại cảnh bắt trọn hình ảnh miền sông nước, nơi đàn trâu đông ngùn ngụt ngày kéo cày, đêm theo người chạy thoát nước lũ. Từ đó, thân phận nghèo khổ, vất vả của người nông dân cũng hé lộ. Những căn nhà đơn sơ trên nền đất cao chưa bị ngập nước, những túp lều trôi dạt lênh đênh, những con thuyền lặng lẽ đơn độc, những đàn trâu lầm lũi bước đi... kết hợp tạo nên bầu không khí trầm buồn, sâu lắng cho tác phẩm.
Anh Tuấn Nguyễn, một người nhiều năm nghiên cứu điện ảnh Việt Nam, khen phần hình ảnh của Mùa len trâu mang đến sự gần gũi, thân thuộc. "Khi xem phim, tôi bất ngờ khi Việt Nam có sản phẩm chất lượng như vậy. Là người con Hà Nội nhưng tôi không thấy Nam Bộ trong phim xa lạ. Tác phẩm có các cảnh quay gợi cho tôi sự tò mò về một nơi thật đẹp mà cũng thật hiểm nguy, cho tôi thấy được sự mong manh của kiếp nhân sinh", anh nói.
Chị Quế Thanh, một biên kịch tại TP HCM, nói: "Tôi xem phim từ khi còn nhỏ. Tim tôi thắt nghẹn bởi thân phận con người sao mà gian truân, bạc bẽo. Tại miền nước ngập đến đầu, người hay trâu đều khổ như nhau".
Lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam khen phim của Nguyễn Võ Nghiêm Minh "giữ được hồn cốt của truyện, khắc họa được tình người, lòng nhân hậu trong mỗi thước phim". Khi phim ra mắt lần đầu, đạo diễn nói: "Mùa len trâu là cách tôi thế hiện tình yêu với nơi sinh thành của mình - miền đồng bằng sông Cửu Long. Gần 20 năm làm việc ở Mỹ, tôi nhiều lần giữ quyết tâm mang nguyên tác lên màn ảnh rộng".
Mùa len trâu tạo tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế, với hàng loạt giải thưởng lớn như: giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), giải đạo diễn xuất sắc ở LHP Chicago (Mỹ), giải Grand prix của LHP Amiens (Pháp), giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brazil).
Tháng 9/2004, cây viết Derek Elley viết trên Variety: "Dù lấy bối cảnh Pháp thuộc 1940, Mùa len trâu gây ám ảnh với cả những khán giả hiện đại, bởi chuyện phim chân thực đến mức ám ảnh. Tính hình tượng của phim có thể sánh ngang hàng với những phim arthouse (phim thiên về nghệ thuật) kinh điển của điện ảnh Châu Âu".
Phúc Nguyễn - Hà Trang