Sweet Home lấy bối cảnh chung cư cũ kỹ, nơi đột nhiên bùng phát dịch bệnh khiến nhiều người biến thành quái vật. Người sống sót tìm cách bảo toàn sinh mạng của họ. Tuy nhiên, họ phải dè chừng xung quanh vì không biết ai là nạn nhân tiếp theo.
Tác phẩm có mô - típ kinh điển của dòng phim quái vật: Một nhóm người bị cô lập, tìm mọi cách sinh tồn trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Mở đầu, phim xây dựng bầu không khí ảm đạm khi theo chân Cha Hyun Soo (Song Kang) đến căn hộ Green Home, sau đó tự lên kế hoạch kết thúc cuộc đời mình. Dần dần, Hyun Soo phát hiện không riêng anh mà những con người sống xung quanh đều có bí mật đen tối.
Trong nhiều phim cùng đề tài như Train To Busan, The Host... việc biến đổi con người thành quái vật thường do các tác động từ bên ngoài, có thể do bức xạ, nhóm nghiên cứu bí mật thực hiện thí nghiệm sai sót hay rò rỉ hóa chất độc hại... Tuy nhiên, trong Sweet Home, đạo diễn Lee Eun Bok lại tập trung khai thác tính cách, góc khuất bên trong mỗi con người ở trận chiến sinh tồn. Việc bị biến thành quái vật là hình ảnh tượng trưng cho tham vọng tiềm ẩn ngày càng chiếm quyền kiểm soát tâm hồn và tha hóa bản chất.
Trận chiến với đám quái vật song hành cùng trận chiến giữa con người với con người. Khi đối mặt ngưỡng cửa sinh tử, bản năng sinh tồn trỗi dậy. Họ bất chấp để bảo vệ sự an toàn cho bản thân. Phim đặt ra câu hỏi: Đâu mới là cuộc chiến đáng sợ mà con người cần vượt qua? Chiến đấu với đám quái vật hay đấu tranh với lương tâm của chính mình?
Phim sử dụng tông màu xanh tối, với những góc quay trong bối cảnh chật hẹp, các cuộc rượt đuổi trong không gian kín, những màn jumpscare mỗi khi quái vật xuất hiện... Tuy vậy, mảng kinh dị chưa để lại dấu ấn. Đạo diễn Lee Eun Bok của Sweet Home là người đứng sau thành công của các tác phẩm đình đám như: Goblin, Mr. Sunshine... Thế mạnh của Lee Eun Bok là khả năng khắc họa nhân vật đa chiều, giúp người xem hiểu được câu chuyện nội tâm của mỗi nhân vật, từ đó dễ dàng đồng cảm với họ. Đạo diễn xử lý chất kinh dị của phim có phần nhẹ nhàng, tiết tấu chậm. Các tình tiết không thực sự gắn kết đủ để đẩy kịch tính của tác phẩm.
Diễn xuất của Song Kang và Lee Do Hyun nhạt nhòa. Nhân vật của cả hai không có nhiều biểu cảm đa dạng. Khi đối diện quái vật phản ứng của họ chỉ dừng ở sợ hãi, lo lắng, chưa cho thấy chuyển biến tâm lý, nội tâm.
Tại Hàn Quốc, Sweet Home gây chú ý ngay từ khi ra mắt vì có kinh phí đầu tư đến 2,4 triệu USD mỗi tập. Con số này cao hơn cả những series nổi tiếng khác của Hàn Quốc như Arthdal Chronicles (hai triệu USD một tập) hay Kingdom (1,6 triệu USD mỗi tập).
K-Drama bình luận: "Phim là món quà thú vị của Netflix dành cho khán giả để khép lại 2020 với nhiều sự kiện kỳ lạ. Lấy bối cảnh hậu tận thế trong một tòa nhà vô chủ, khi các nhân vật phải chống chọi với đám quái vật khát máu, tác phẩm giúp người xem khám phá bản ngã, cũng như đặt câu hỏi về cách con người ứng phó với thảm họa bất ngờ".
Trên Rotten Tomatoes, phim nhận đánh giá cao từ giới chuyên môn, khán giả với điểm bình chọn trên 80%, và bình luận: "Dù đề tài quen thuộc, phim có bối cảnh và tạo hình quái vật khác biệt. Tác phẩm có cốt truyện kịch tính với những bước ngoặt bất ngờ".
Hà Trang