Ra mắt ở Hàn Quốc ngày 20/7, Train To Busan trở thành hiện tượng ăn khách. Sau ba tuần công chiếu, tác phẩm lập kỷ lục phim Hàn đầu tiên thu hút hơn 10 triệu lượt người xem đến phòng vé nội địa. Các hãng Hollywood tranh giành bản quyền làm lại. Khi tác phẩm được mua về chiếu ở Việt Nam, một số khán giả nghi ngờ câu chuyện là phiên bản Hàn của bom tấn World War Z hoặc không vượt qua được series The Walking Dead. Kỳ thực, Train To Busan ngang tầm những phim kinh dị ăn khách nhất Bắc Mỹ hiện nay, với cốt truyện kịch tính đánh trúng tâm lý người yêu phim thảm họa đồng thời chứa nhiều chi tiết lấy nước mắt khán giả.
Trailer phim "Train To Busan" |
|
Dùng mô típ kinh điển - cô lập nhóm nhân vật chính tại một nơi chốn cụ thể và buộc họ đối mặt kẻ thù đông đúc, Train To Busan từ đầu tới cuối lấy bối cảnh trên một chuyến tàu. Cốt truyện bắt đầu khi Hàn Quốc bị tấn công bởi một loại virus bí ẩn, biến con người thành xác sống khát máu. Có mặt trên cao tốc từ Seoul tới Busan là một người cha cùng con gái, hai vợ chồng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng và một số cô cậu học sinh cấp 3. Khi đại dịch bùng phát, hành trình 453 km từ Seoul tới vùng an toàn Busan bỗng thành cuộc chiến để sinh tồn.
Ý tưởng gốc đắt là khung sườn chắc cho các nhà biên kịch bồi đắp chi tiết kịch tính. Nhịp phim giống hành trình lăn bánh của tàu cao tốc. Trước lúc khởi hành, có người thấy dấu hiệu bất thường nhưng không để tâm. Thế rồi tàu chuyển bánh, vài xác sống đột ngột xuất hiện cắn người. Tàu càng chạy, chúng càng đông. Lúc bấy giờ, mặt đất dưới đường ray đã thành thủ phủ của kẻ chết biết đi. Nhóm hành khách định mệnh buộc ở trên toa và giành nhau khoảng trống an toàn. Có những quãng nghỉ, đoàn người xuống nhà ga hoang vắng chỉ để thấy quái vật ngập thành phố. Tàu càng tới gần đích, nhóm nhân vật chính càng bị dồn về toa cuối đồng thời nhóm sống sót ít đi. Nhưng giờ khắc sinh tử nhất xuất hiện khi đôi nạn nhân chỉ cách điểm an toàn vài bước chân.
Điểm khiến Train To Busan khác với một phim Hollywood cùng thể loại là những tình huống lấy nước mắt người xem thường thấy của dòng tâm lý Hàn. Đan xen vào những màn vồ bắt của xác sống là cảnh ngộ và số phận đa dạng của con người xứ kim chi trước thảm họa. Không có nhân vật anh hùng nào cứu thế giới cũng không đi sâu vào câu chuyện diệt zombie, phim khai thác cách những người bình dị ứng xử nhau trong hoàn cảnh tuyệt vọng.
Phải ở hoàn cảnh khó khăn, một người chồng cục mịch mới bộc lộ hết tình cảm khi tìm mọi cách vượt qua các toa tàu trùng điệp xác sống để bế vợ bầu chạy trốn. Một người cha tỏ ra lạnh lùng nhưng luôn theo dõi con từ xa tới phút nan nguy mới sẵn sàng hy sinh tính mạng vì con. Ngược lại, một ông chủ bình thường luôn tỏ ra lịch thiệp hóa thành đê tiện.
Ghi dấu ấn trong dàn sao là diễn viên nhỏ tuổi Su An. Nữ diễn viên nhí diễn sâu ở những cảnh tỏ vẻ ngơ ngác và bất lực khi chứng kiến nhiều cái chết của người thân cũng như chứng kiến sự đối xử tàn tệ giữa con người với con người. Cô bé cũng khóc tự nhiên trong những cảnh thể hiện nỗi đau. Hai nam diễn viên Gong Yoo và Ma Dong Seok tạo ra sự bổ khuyết cả về ngoại hình và tính cách nhân vật (một người gầy sắc sảo còn người lại to béo phúc hậu). Nữ diễn viên Jung Yu Mi gây cười khi hóa thành cô vợ bầu chậm chạp nhưng luôn thích bắt nạt chồng.
Xác sống - "đặc sản" của câu chuyện kinh dị và được diễn xuất bởi dàn diễn viên quần chúng đông đảo - gây sợ hãi cho người xem nhờ hóa trang hiệu quả. Ngoài các đúp hình quay cận mô tả xác sống cụ thể vặn vẹo hay cắn người gây khiếp đảm, phim có nhiều cú máy toàn ám ảnh như đàn xác sống nhảy vọt từ tàu này sang tàu khác, đuổi theo vồ người. Đặc biệt, các đúp quay tạo không gian cho câu chuyện khai thác triệt để bối cảnh đường ray và thành phố. Những đường tàu hoang vắng với thanh ray nối dài chạy về phía cuối chân trời, cột điện hay nhà ga hoang vắng tạo ra không khí của một thành phố chết. Các cảnh phim như con người len qua xác sống trong bóng tối hay trườn bò bỏ trốn và tránh quái vật phát hiện... gây thót tim.
Nhạc nền giống bản giao hưởng tạo nhịp điệu cho câu chuyện. Những đoạn nhạc lớn mang đến sự căng thẳng tột độ. Trong cảnh khóc thương người chết, giai điệu trở nên du dương, đồng cảm. Phim kết thúc bằng giọng người hát sâu lắng, khiến khán giả xúc động.
Điểm yếu của Train To Busan là câu chuyện thiếu bước ngoặt bất ngờ mà đi vào các chi tiết kịch tính một chiều. Vài khoảnh khắc cố tình lấy nước mắt người xem để hở ra lỗ hổng logic như phụ nữ mang bầu lớn chạy nhiều vẫn không đau bụng hay sơ sẩy gì. Vài chi tiết cài cắm trong kịch bản lộ liễu như cố đưa vào phân đoạn chàng học sinh trung học gọi điện cho bạn gái để rồi chiếc điện thoại của cô bị đập nát. Phim dựng nhân vật phản diện yếu bởi không có động cơ lớn ngoài việc anh ta xấu tính.
Train To Busan (Chuyến tàu sinh tử) ra mắt ở Việt Nam từ 12/8.
>> Xem thêm: