* Bài tiết lộ tình tiết phim
Bộ phim Hàn hiện chiếu tám trên tổng số 16 tập, với tỷ lệ người xem cao nhất lên tới 13,1% - đứng đầu các tác phẩm cùng khung giờ phát sóng. ENA - đài truyền hình mới thành lập, đầu tư 20 tỷ won (357 tỷ đồng) cho bộ phim - phát lại tác phẩm 13 lần một ngày vì hiệu ứng tích cực từ phía công chúng. Phim cũng đứng đầu danh sách Top 10 tác phẩm không nói tiếng Anh của Netflix, với gần 24 triệu giờ xem.
Chuyện phim xoay quanh Woo Young Woo (Park Eun Bin) - luật sư có bộ óc thiên tài nhưng mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Young Woo thuộc tất cả cuốn sách đã đọc qua, luôn đứng đầu trong các kỳ thi. Tuy nhiên, cô bị hạn chế về khả năng giao tiếp, hoạt động thể chất... nên thường xuyên bị kỳ thị, chế giễu. Young Woo gia nhập công ty luật Hanbada, phải đương đầu với những thử thách trong phòng xử án và nhiều nơi khác để khẳng định tài năng. Cô còn nảy sinh chuyện tình với đồng nghiệp Lee Jun Ho (Kang Tae Oh).
Phim có cách tiếp cận gần gũi với người mắc hội chứng rối loạn tâm lý, theo The Korea Times. Tác phẩm không tập trung khai thác những vụ kiện kịch tính, cảnh đấu trí khô khan trên tòa án hay xoáy sâu bi kịch của nhân vật mà chọn góc nhìn đơn giản, đáng yêu của Young Woo. Mỗi tập phim là một vụ kiện khác nhau và Woo Young Woo có những cách thức sáng tạo, phi thường để giải quyết.
Những vấn đề người mắc chứng này phải đối mặt trong cuộc sống được thể hiện qua: Woo Young Woo bị bạn bè bạo hành về thể chất và tinh thần đến mức phải chuyển trường, trốn vào phòng giáo viên trong giờ nghỉ, bị nhiều công ty từ chối dù tốt nghiệp loạt giỏi ngành Luật của Đại học Seoul, bị nghi ngờ khả năng, tước quyền biện hộ trên tòa hay ông Gwang Ho - bố Young Woo - phải hy sinh công việc, cuộc sống riêng tư để có thời gian chăm sóc, đồng hành con...
Trên JoongAng Ilbo, Kim Yong Jik - luật sư kiêm chủ tịch của Hiệp hội Tự kỷ Hàn Quốc, cho rằng phim khơi dậy sự quan tâm của mọi người về ASD và các triệu chứng của nó. Điều đó được thể hiện qua hành vi kỳ quặc của Woo như: Nhạy cảm với tiếng ồn và luôn đeo tai nghe, luôn ăn gimbap vì có thể nhìn thấy tất cả thành phần trong nháy mắt, đam mê cá voi và thường liên hệ các sự kiện với loài vật này.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nhận xét phim có toàn bộ yếu tố - từ nhân vật đến cốt truyện - để nổi tiếng. Tác phẩm chọn đề tài pháp luật, lấy phụ nữ làm trung tâm và thể hiện nhân vật mắc ASD. "Nhân vật không giống những người được miêu tả trước đây (trên các phương tiện truyền thông). Cô ấy không chỉ quyến rũ, đáng yêu mà còn có quan điểm mà ngay cả người không khuyết tật cũng có thể đồng cảm. Chứng rối loạn phổ tự kỷ mang lại cho tác phẩm sự độc đáo và khác biệt. Không dễ để tạo ra câu chuyện có vẻ quen thuộc nhưng không phải như vậy", ông Kim nói trên The Korea Times.
Tuy nhiên, phim cũng vướng một số lo ngại về việc miêu tả người mắc ASD không giống với thực tế. Người bị tự kỷ thường mất nhiều thời gian để trò chuyện, làm việc và kết nối với người khác. Điều đó không giống cách nhân vật Woo Young Woo được xây dựng: Được đồng nghiệp giúp đỡ và nhanh chóng hòa nhập với công việc. Trên JoongAng Ilbo, Joung Yoo Sook - giáo sư tâm thần học tại Đại học Y thuộc Đại học Sungkyunkwan - nói: "Những người mắc chứng ASD có thể học tương tác xã hội và phát triển các kết nối cảm xúc, nhưng phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, phim truyền hình là hư cấu và chúng ta không nên xem nó như một bộ phim tài liệu".
Biên kịch Moon Ji Won nói muốn đưa người xem vào hành trình tìm hiểu "Woo Young Woo phi thường". Biên kịch nói qua The Korea Times: "Chúng tôi đề cập đến những người không điển hình, xa lạ, kỳ quặc, phi thường... Những người đó có thể làm căng thẳng và đôi khi gây ra rắc rối. Nhưng họ có thể thay đổi, biến cuộc sống trở nên phong phú và thú vị hơn. Tôi hy vọng mọi người có thể cảm nhận được nghị lực phi thường từ những người không bình thường".
Diễn xuất của dàn sao trẻ góp phần làm nên thành công của phim. Park Eun Bin khắc họa hình ảnh thiên tài rối loạn tâm lý qua đôi mắt trong, biểu cảm ngờ nghệch và những cử chỉ riêng biệt ở ngón tay, bàn chân. Trên Chosun, diễn viên cho biết đã đến gặp giáo sư Kim Byung Gun - khoa Giáo dục đặc biệt tại Đại học Nazarene - để tìm hiểu về tự kỷ, những đặc điểm, hành động thường có ở người mắc hội chứng này để lấy tư liệu.
Kim Bo Mi, 35 tuổi ở Asan, là mẹ của một trẻ mắc chứng tự kỷ - nhận xét giọng nói đều đều của Woo là một trong những đặc điểm của ASD thực tế. "Cách cô ấy nói rất giống con trai tôi", Kim cho biết.
Marie Claire Korea nhận định thành công của phim phần lớn nhờ Eun Bin. "Nét duyên dáng, tự nhiên và đôi mắt sâu của Park Eun Bin đã lột tả chân thực thế giới Woo Young Woo đang sống và quá trình cô ấy vượt qua định kiến", tờ này viết.
Kang Tae Oh - từng đóng Tuổi thanh xuân cùng Nhã Phương - thể hiện nhân vật Lee Jun Ho ấm áp, thân thiện qua biểu cảm chân thành, nụ cười hiền. Kang Ki Young ghi điểm khi đóng luật sư Jung Myung Seok công bằng, luôn tìm mọi cách bảo vệ cấp dưới.
Hiểu Nhân