Tác phẩm được bấm máy suốt hai năm, kể câu chuyện hậu trường Mỹ Tâm tổ chức hai liveshow Tri âm tại TP HCM - tháng 4/2021 và Hà Nội - tháng 11/2022. Chọn tên gọi Người giữ thời gian, ca sĩ cho biết muốn giữ lại kỷ niệm làm nghề cùng khán giả - những "soulmate" (tri kỷ) của cô. "Âm nhạc của tôi là một phần thanh xuân của họ, và họ chính là thanh xuân của tôi", ca sĩ nói.
Dài 106 phút, phim được chia ra thành hai phần, tương ứng hai đợt tổ chức liveshow. Từ ý tưởng khởi nguồn trong một lần đi công tác ở Tokyo, Nhật cuối năm 2020, cô quyết tâm làm chuỗi show với quy mô khán giả đông bậc nhất từ trước đến nay. Êkíp liên tục bị thử thách khi thực hiện chương trình trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Xuyên suốt phim, ca sĩ bộc lộ những tâm tư ít người biết sau hào quang sân khấu. Để có những phút thăng hoa trong liveshow, cô luyện vũ đạo đến chấn thương, bác sĩ phải khuyến cáo giảm thiểu tập dượt. Có lúc, cô bật khóc vì nén đau với cổ tay quấn băng trắng, nằm trên xe cấp cứu. Chỉ hơn một tuần trước liveshow ở TP HCM, êkíp chuyển địa điểm tổ chức từ sân vận động Quân khu 7 sang Phú Thọ vì lý do bất khả kháng, mọi khâu phải cấp tốc chuẩn bị lại từ đầu.
Gương mặt ca sĩ lo âu khi trời liên tục đổ mưa sát ngày diễn, ảnh hưởng đến việc duyệt chương trình. Là "đầu tàu", Mỹ Tâm nhiều lần phải đứng ra giảng hòa, tìm phương án tốt nhất khi các thành viên nổ ra tranh cãi. Có lúc, Mỹ Tâm đối diện nhiều tình huống bế tắc, tự chất vấn liệu có phải là lỗi của bản thân khi đẩy êkíp vào thế khó.
Với liveshow ở Hà Nội, khó khăn tăng lên nhiều lần. Tháng 5/2021, dịch bệnh bùng phát dù khâu tổ chức đã hoàn thành 70%. Tiếc công sức của êkíp, cô vẫn quyết định hủy show, dỡ bỏ thiết bị trên sân vận động Mỹ Đình. Hơn một năm sau, khi đêm nhạc được tổ chức trở lại với lượng khán giả kỷ lục 30.000 người, ca sĩ bất ngờ bị sốt sát ngày diễn. Trên sân khấu, cô chật vật duyệt chương trình với những tràng ho kéo dài. Mỹ Tâm cho biết đó là giai đoạn khủng hoảng của cô. "Nhiều lúc, tôi stress nặng, bị trầm cảm, phải uống thuốc", ca sĩ nói trong tác phẩm. Máy quay đặc tả từ sau lưng cảnh ca sĩ nằm một mình, trằn trọc với những đêm mất ngủ.
Phim không xoáy sâu những mặt tối, mà hướng đến cách Mỹ Tâm vượt qua giai đoạn khó khăn. Mỗi lúc nản chí hoặc mệt mỏi, cô tìm đến âm nhạc với đàn piano. Ca khúc The Light (Ánh sáng) liên tục vang lên trong tác phẩm, như cách cô tự vực dậy bản thân: "Dù biết, cuộc sống nào đâu chỉ mang giấc mơ ngọt ngào/ Và ta, tập quên đi hết cay đắng xót xa ngày nào". Cô cho biết may mắn có người thân, bạn bè, khán giả làm hậu thuẫn. Hình ảnh ca sĩ hôn tay ba mẹ đến xem cô tập luyện tại sân vận động Mỹ Đình gợi nhiều xúc động.
Dù tái hiện giai đoạn ngắn, phim góp phần lý giải vì sao Mỹ Tâm là ngôi sao âm nhạc hàng đầu nhiều năm qua. Khán giả đi xem cô hát thuộc mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Phim bắt được nhiều khoảnh khắc fan đi xe lăn đến liveshow Mỹ Tâm, hay các gia đình hàng xóm của cô tại Đà Nẵng bay vào TP HCM. Khi ca sĩ hát Cô gái đến từ hôm qua (Trần Lê Quỳnh) tại Hà Nội, nước mắt lăn dài trên gương mặt nhiều bạn trẻ. Cách Mỹ Tâm quan tâm fan được thể hiện qua phân cảnh cô dặn lực lượng bảo vệ cố gắng mềm mỏng, không nên xô đẩy khán giả.
Tác phẩm vẽ nên một Mỹ Tâm gần gũi trong đời thường. Ca sĩ ngồi bên ba mẹ, giở cuốn album thời nhỏ, cười đùa với giọng Quảng: "Răng hồi xưa con xinh ri hè?". Thời dịch, cô cùng người thân chèo thuyền trong ao nhà, tỉa tót cây cảnh. Ca sĩ nói vui bản thân thùy mị, mê nữ công gia chánh, liền sau đó là phân cảnh cô hăm hở chơi game. Sự mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc được dung hòa cùng nét nữ tính, dịu dàng ở cuộc sống, tạo nên chân dung ca sĩ. "Xem phim, tôi càng yêu Mỹ Tâm hơn vì những khoảnh khắc như thế", đạo diễn Lý Hải cho biết.
Êkíp sử dụng nhiều thước phim tư liệu cũ, từ Yesterday and Now (2004) - liveshow sân vận động đầu tiên của Mỹ Tâm, đến các chương trình sau này như Sóng đa tần (2008), Heartbeat (2014). Các khoảnh khắc xưa và nay được đặt song song trên màn ảnh để bật lên thông điệp chính của phim: Mỹ Tâm vẫn là "họa mi tóc nâu" của 20 năm trước, vẫn được khán giả dành trọn tình cảm.
Dù vậy, kết cấu phim bị lặp lại ở nửa sau, phần nào tạo cảm giác nhàm chán. Lucas Luân Nguyễn - một blogger về điện ảnh ở TP HCM - đánh giá: "Mọi gian khổ, quả ngọt đều được giới thiệu quá nhiều ở phần đầu. Nó truyền cảm hứng và giàu năng lượng đến mức khi phần Tri âm ở TP HCM khép lại, tôi tưởng phim hết. Do đó, tác phẩm thiếu sự cân xứng", anh nói.
Làm phim tài liệu về show diễn của ca sĩ là hoạt động khá quen thuộc trong làng nhạc, chẳng hạn Bring the Soul: The Movie (2019) - xoay quanh nhóm BTS của Hàn Quốc, hay Michael Jackson's This Is It (2009) - kể về sự chuẩn bị của Michael Jackson cho show dự kiến cùng năm, không thể diễn ra do nghệ sĩ mất vào tháng 6/2009. Trong nước, năm 2020, Sơn Tùng M-TP từng ra mắt phim tài liệu âm nhạc Sky Tour, thu về 11 tỷ đồng sau 10 ngày.
Mai Nhật