Tác phẩm do Dương Dương đạo diễn, ra mắt ngày 2/6, thu hút hơn 600 triệu lượt xem. Trên diễn đàn Douban, gần 300.000 khán giả chấm Mộng hoa lục 8,8/10 điểm, cao nhất trong số phim truyền hình Trung Quốc những năm gần đây. Phim gây tiếng vang tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Tờ Văn Hội Báo đánh giá công lao lớn thuộc về Lưu Diệc Phi và Trần Hiểu. Cây viết Tỉ Do nhận xét: "Hai diễn viên nam thanh nữ tú, diễn xuất tự nhiên và tươi mới, các cảnh diễn đôi không bị lãng mạn thái quá, xa rời thực tế. Họ biết cách biểu đạt sự tiến triển tình cảm qua ánh mắt và lời nói, hàm súc và chân thành".
Trang điện tử của tờ Nhân Dân Nhật Báo khen Lưu Diệc Phi "mang tới phần biểu diễn tiệm cận hoàn mỹ". Còn Trần Hiểu cuốn hút khán giả với lối diễn nội tâm bằng đôi mắt. Ở một số cảnh, Trần Hiểu và Lưu Diệc Phi biểu đạt tinh tế, làm khán giả thổn thức, xem đi xem lại nhiều lần.
Tác phẩm gây sốt còn nhờ kịch bản đột phá. Êkíp không phụ thuộc vào các tiểu thuyết văn học mạng đình đám như loạt phim gần đây, mà dành nhiều thời gian cải biên vở kịch Triệu Phán Nhi phong nguyệt cứu phong trần của Quan Hán Khanh (thời Nguyên) - một trong nhà viết kịch vĩ đại nhất Trung Quốc. Dựa vào tính cách của các nhân vật, nhà biên kịch Trương Nguy - từng là phó giáo sư Học viện Điện ảnh Bắc Kinh - xây dựng loạt tình tiết, mối quan hệ phức tạp hơn so với nguyên tác, tạo nên cốt truyện ly kỳ, hồi hộp.
Trên Beijingnews, Trương Nguy kể ông yêu thích kịch thời Nguyên, Tống từ khi học đại học, bị thu hút bởi ngôn từ đẹp và tính nhân văn. Đặc biệt, nhân vật nữ dưới ngòi bút của Quan Hán Khanh sinh động vì vừa thông tuệ, dũng cảm vừa có tinh thần nghĩa hiệp, tính cách gần với phụ nữ hiện đại. Qua tác phẩm, nhà biên kịch muốn đề cao tình bạn, tính tự lập của phụ nữ.
Nữ đạo diễn Dương Dương nói phim truyền thông điệp "nữ nhân như thủy" - phụ nữ vừa mềm mại, mong manh vừa quyết liệt, dữ dội như nước. Để biểu đạt điều này, bà khảo sát loạt cổ trấn, ngôi làng ở Hàng Châu, Tô Châu, Vô Tích, Thiệu Hưng... để chọn bối cảnh. Dương Dương đưa nhiều sông hồ, non nước vào tác phẩm đồng thời đặt các bể nước nhỏ ở một số cảnh quay, với dụng ý phụ nữ trong phim mang tính cách của nước.
Theo Beijing News, Mộng hoa lục khác biệt phần lớn phim cổ trang Trung Quốc những năm gần đây ở phần hình ảnh. Các phim khác thường lồng ghép phong cảnh, khiến hình ảnh đơn điệu, giả tạo. Còn trong Mộng hoa lục, cảnh và người hài hòa, chân thực, như đang tái hiện khung cảnh một thời kỳ.
Phim còn khiến người xem vui thích vì loạt cảnh võ thuật dàn dựng chân thực, không dùng thủ pháp quay chậm, không có các động tác đấm đá màu mè. Ngoài ra, gương mặt của diễn viên tự nhiên vì không lạm dụng chỉnh sửa hình ảnh. Trước Mộng hoa lục, hàng chục phim truyền hình bị khán giả phàn nàn, la ó vì mặt của diễn viên chính bị cà tới mất đường nét, thậm chí trắng lóa mắt.
Yếu tố mỹ thuật, hóa trang được cây viết Tỉ Do của Văn Hội Báo đánh giá cao. Kiến trúc, đồ vật trong phim hay lối đánh phấn, trang phục, phục sức của nhân vật đều tái hiện cuộc sống, văn hóa của con người thời Tống đồng thời hài hòa với gu thẩm mỹ thời hiện đại.
Theo Sina, phim có một số đoạn thiếu logic, đài từ gượng gạo, nữ chính lấn át những người khác về trí tuệ nhưng đặt trong tổng thể, các điểm yếu này có thể chấp nhận được. Hàng chục nghìn khán giả cho biết xem Mộng hoa lục, họ có cảm giác vui thích, say mê "như khi xem phim thời thơ ấu". Tài khoản Tiangang cho biết đây là tác phẩm hiếm hoi cô xem một mạch, không bỏ qua đoạn nào.
Nghinh Xuân