Theo trang Sohu, đông đảo khán giả ngán ngẩm về tình trạng lạm dụng chỉnh sửa hình ảnh ở các phim đang chiếu, như Hộc Châu phu nhân (Dương Mịch - Trần Vỹ Đình đóng chính), Nhất kiến khuynh tâm (Trần Tinh Húc, Trương Tịnh Nghi đóng chính). Ở Hộc Châu phu nhân, mỗi lần tới cảnh của Dương Mịch, các khán giả cảm thấy "nhìn mặt cô qua làn sương".
Còn ở Nhất kiến khuynh tâm, mặt Trần Tinh Húc và Trương Tịnh Nghi bị cà tới mất cả đường nét, thậm chí trắng lóa mắt. Trong phim ra mắt hồi tháng 10, Gia Nam truyện, gương mặt của Cúc Tịnh Y nhiều lúc bị nhòe vì chỉnh sửa.
Hiện nay, cà da và sửa mặt là các yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất nhiều phim truyền hình. Mặt diễn viên nhất định phải trắng, không tì vết, không một nếp nhăn nào, kể cả ở cảnh khóc, cười. Có phim còn xóa cả đường nét ở vùng mắt. Khán giả thắc mắc vì sao mặt diễn viên trông giả đến thế? Vì sao phải thêm các hiệu ứng khiến biểu cảm thiếu tự nhiên? Đoàn phim và tổ hậu kỳ nghĩ gì?
Tiểu Ngũ, làm việc lĩnh vực xử lý hậu kỳ cho phim, tiết lộ nếu không chỉnh sửa mặt ở hậu kỳ, cả công ty sản xuất và diễn viên đều không an tâm. "Họ sợ xấu, bị khán giả chê", Tiểu Ngũ nói.
Nhiều năm trong nghề, Tiểu Ngũ nhận ra trước đây, diễn viên thường nói với đạo diễn: "Góc mặt này em đẹp, anh nhớ quay nhiều góc này cho em" còn hiện nay, tất cả đều quăng cho hậu kỳ. Cô nhiều lần chán nản vì đoàn phim và nghệ sĩ yêu cầu kỳ quặc. Chẳng hạn, có lần phía diễn viên chính yêu cầu phía Tiểu Ngũ làm thon mặt nhưng "vẫn đảm bảo tự nhiên", dù cô mập hơn nhiều so với trước. Êkíp của Tiểu Ngũ tốn cả tháng để cà da, bóp mặt cho nữ diễn viên này, tới mức gương mặt bị lệch. Đoàn phim lại yêu cầu êkíp dùng kỹ xảo sửa cho mặt thẳng như trước.
Tiểu Ngũ cho rằng lạm dụng chỉnh sửa khiến diễn viên "không giống người thật", ảnh hưởng chất lượng nghệ thuật của cả tác phẩm. Nhưng cô không có lựa chọn, chỉ làm theo yêu cầu của đối tác.
Chi phí chỉnh sửa gương mặt từ 3.000 nhân dân tệ (10,6 triệu đồng) tới 8.000 nhân dân tệ (28,3 triệu đồng) cho mỗi giây, tùy trình độ mỗi êkíp. Tiểu Trung - chủ một công ty hậu kỳ chuyên nghiệp - cho biết công việc mỗi ngày của nhiều người trong công ty anh chỉ là sửa mặt cho diễn viên. Với một phim 30 tập, mỗi tập khoảng 600 cảnh, nếu cảnh của diễn viên chính chiếm một nửa, thời gian sửa mặt tốn hơn hai tháng. Êkíp của anh từng mất ba tháng rưỡi mới hoàn thành cà da, làm thon mặt cho diễn viên chính ở một phim võ hiệp.
Những êkíp chuyên nghiệp như của Tiểu Trung, thù lao cho mỗi giây sửa mặt trên phim là 8.000 tệ. Với giá thành đó, riêng khoản chỉnh sửa cho diễn viên chính đã tác động lớn tới kinh phí một tác phẩm. Chi phí này có thể do đoàn phim trả hoặc chính nghệ sĩ trả, bởi phía yêu cầu sửa mặt thường là diễn viên.
Tiểu Ngũ cho rằng trào lưu hiện nay là da trắng, mặt nhỏ. Nhiều công ty quản lý nghệ sĩ cho rằng cần bắt kịp xu hướng của giới trẻ. Không chỉ sửa mặt cho diễn viên, nhiều đoàn phim điều chỉnh màu "quá lố". Chẳng hạn, những năm gần đây các nhà sản xuất chuộng màu phim tối, trầm như Diên Hy công lược. Một số tác phẩm bắt chước, chỉnh tới mức gương mặt diễn viên hóa màu xanh hoặc cảnh quay ban ngày nhưng mặt nhân vật vẫn tối.
Tình trạng nghệ sĩ nam nữ "mặt long lanh, diễn xuất đơ cứng" từng bị tờ Guangming Daily đề xuất cơ quan chức năng chấn chỉnh, vì hiện tượng này dẫn tới một loạt phim ảnh chất lượng kém đồng thời tạo nên "xu hướng thẩm mỹ không đúng đắn".
Nghinh Xuân (theo Sohu)