- Vai ông Ba bắt rắn trong phim "Đất phương Nam" đem đến cho ông hình tượng ông già Nam bộ trong điện ảnh. Theo ông, lý do nào khiến các đạo diễn chọn một người gốc Bắc như ông vào dạng vai này?
- Ngoại hình gầy gò, khắc khổ, đôi lông mày cũng như bộ râu bạc của tôi là yếu tố đầu tiên khiến các đạo diễn nhắm đến. Nó phù hợp với những ông già miệt vườn Nam bộ.
Tuổi nhỏ, tôi lênh đênh khắp ba miền trên những toa tàu. Sau đó, tôi sống trong cộng đồng người Nam tập kết ra Bắc nên thấu hiểu và thích thú với tính cách cũng như nét sinh hoạt của họ. Khu tôi ở phần đông là người miền Tây, tôi nhận thấy ở họ một lối sống hồn hậu, phóng khoáng. Những câu chuyện của họ đã cho tôi hình dung về miền đất Nam Bộ từ ngày đó. Tất cả những trải nghiệm đó, tôi đều đưa vào vai diễn.
- Chất Nam bộ nào thu hút ông nhất?
- Tôi khởi nghiệp nghệ thuật bằng những vai diễn cải lương. Một người Bắc ca cải lương thời đó gặp khá nhiều trở ngại trong quan niệm của khán giả miền Nam. Bản thân tôi cũng nhận thấy âm vực của người Nam bộ, tự bản thân nó đã mang nhạc điệu trong từng lời nói. Vì vậy, tôi học hát cải lương giọng Nam bộ để khẳng định chỗ đứng trên sân khấu. Chính giọng ca cải lương đã khiến tôi thấm nhuần tinh thần Nam bộ trong người, trước khi được biết đến qua phim ảnh bằng vai diễn trong phim Đất phương Nam.
- Ở tuổi 70, ông vẫn chăm chỉ lái xe máy đi diễn. Ông dự định theo nghề đến bao giờ?
- Tôi thấy mình còn sức khỏe, hơn nữa, được hóa thân vào các vai diễn là đam mê đeo đuổi cả đời, giống như huyết mạch luôn chảy trong người mình vậy. Nếu không bận, tôi cũng đưa đón bà xã đi diễn.
Chúng tôi còn ham diễn ở tuổi này không phải chạy theo cát-xê. Thù lao cho diễn viên lão như chúng tôi không nhiều, đất diễn cũng ít. Nhưng nếu tâm đắc, vai nhỏ nhất tôi cũng nhận. Đơn giản vì tình yêu nghề. Đi diễn giúp tôi có được nhiều niềm vui, được trải nghiệm mình qua những số phận, tính cách.
- Sau mỗi vai diễn, ông mong chờ điều gì?
- Nghệ sĩ chúng tôi tạo ra những sản phẩm nghệ thuật nên luôn sống trong sự phấp phỏng, hy vọng, chờ phản hồi của công chúng mỗi khi vai diễn của mình lên sóng. Ở tuổi này, được sống trong tâm trạng đó, đối với tôi cũng rất thú vị.
Bằng việc đi đóng phim, tôi cũng như bà xã, muốn chứng minh với con cháu, khán giả, tuy ngoại hình, tuổi tác có thay đổi nhưng tâm hồn chúng tôi luôn trẻ. Nhiệt huyết với nghệ thuật vẫn tươi mới như thuở mới vào nghề.
- Các con chia sẻ thế nào với lựa chọn công việc của bố mẹ?
- Các con tôi biết tính bố mẹ, tôn trọng tuyệt đối mọi quyết định của chúng tôi. Dù lo lắng cho sức khỏe, chúng vẫn động viên, khích lệ chúng tôi trong những vai diễn mới.
Bên cạnh việc nhắc nhở chúng tôi phải biết lượng sức, các con tạo điều kiện cho chúng tôi đi du lịch nhiều nơi để nghỉ ngơi và có trải nghiệm cho vai diễn. Chúng tôi vừa trở về vài tháng sau một chuyến đi nghỉ dưỡng tại Pháp.
- Ông làm thế nào để không lặp lại mình với những dạng vai đã quá quen thuộc với khán giả?
- Khi nhập vai, tôi luôn quên bản thân mình ngoài đời mà chú tâm vào nhân vật. Có thể ngay khi mới xem phim, khán giả thấy tôi là nghĩ ngay đến hình ảnh một ông già Nam bộ, nhưng một lúc sau họ sẽ nhận ra ông già trong phim này khác với ông già ở phim trước. Đó là vì mỗi nhân vật có tâm tính, số phận, cách xử lý tình huống khác nhau. Tôi chú trọng nội tâm, tính cách của mỗi nhân vật tôi hóa thân để tránh lặp lại mình trong một dạng vai quen thuộc.
Với dạng vai nào tôi cũng phải làm hết mình, không thể mang đến cảm xúc hời hợt cho khán giả. Từ những vai nhỏ nhất cho đến vai chính, tôi quan niệm đã nhận, phải làm thật nghiêm túc. Bởi ngoài tư cách diễn viên, tôi còn là thầy giáo đào tạo rất nhiều thế hệ diễn viên. Một người thầy không lao động nghệ thuật nghiêm túc, làm sao khiến học trò có ý thức khi làm việc.
- Là người nghiêm khắc với nghề, phản ứng của ông thế nào khi làm việc chung với một số diễn viên thiếu chuyên nghiệp?
- Đúng là tôi có gặp nhiều trường hợp như vậy. Đôi khi bạn diễn chỉ nói một câu thoại trong phân cảnh với tôi mà diễn đi diễn lại 10 lần chưa xong. Chúng tôi có tuổi, diễn đi diễn lại nhiều lần khá mệt mỏi. Nhiều khi tôi đến trường quay từ 5h sáng, hóa trang xong đợi mãi bạn diễn không đến. Cả ngày hôm đó, có khi tôi chỉ quay được duy nhất một phân đoạn.
Dĩ nhiên tôi có chút bực bội, vì sự thiếu chuyên nghiệp đó làm gián đoạn tiến độ của cả đoàn phim. Nhưng tôi xác định đi đóng phim, mình chỉ là người cộng tác, lại ở vị trí người thầy, người đi trước, tôi sẽ giúp, dạy lại họ để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa tôi và bạn diễn.
- So với nhiều bạn diễn đồng trang lứa, ông có một tình yêu đẹp và một hạnh phúc bền vững với nghệ sĩ Thanh Dậu. Đâu là bí quyết giữ gìn hạnh phúc của ông bà?
- Như bất cứ đôi vợ chồng nào, chúng tôi cũng có những khó khăn, khúc mắc, hiểu lầm, giận hờn, nhưng vì tính chất công việc nên đều bỏ qua cho nhau được. Tôi quan niệm cần tôn trọng người phụ nữ trong gia đình. Sự tôn trọng đó thể hiện ở việc, người đàn ông phải là trụ cột, làm điểm tựa cho vợ con cả về tài chính và tinh thần. Đã là trụ cột, anh phải vững về sức khỏe, tinh thần để chèo lái con thuyền gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Khi vào TP HCM sau năm 1978, chúng tôi cũng không tránh khỏi mâu thuẫn như mọi cặp vợ chồng khác, khi nhà cửa, hộ khẩu không có, xin học cho con cái rất khó khăn… Trong hoàn cảnh đó, tôi phải chứng tỏ sức mạnh tinh thần của mình để làm điểm tựa cho vợ con. Sự bản lĩnh, cương quyết của người đàn ông cần phải được bộc lộ để người phụ nữ tin tưởng cùng mình đi tiếp.
Tôi cũng biết ơn nhà tôi vì đã gạt bỏ tất cả, nắm chặt tay tôi để vượt qua giai đoạn khốn khó đó. Hạnh phúc gia đình là sự chung tay vun đắp của hai vợ chồng. Chúng tôi là nghệ sĩ, lại là nhà giáo nên càng phải khắt khe với chính mình.
Nghệ sĩ Mạnh Dung tên thật là Đoàn Mạnh Dung, sinh năm 1939. Năm 18 tuổi, ông trở thành diễn viên của đoàn cải lương Chuông Vàng, Hà Nội. Tại đây, ông quen và kết hôn với nghệ sĩ Thanh Dậu. Nghệ sĩ Mạnh Dung từng là kép chính nổi tiếng với gần 100 vở cải lương, trong đó có vở Bạch Xà nương, Tống Chân - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... Năm 1984, ông trở thành giảng viên trường Trung cấp Điện ảnh miền Nam (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Nghệ sĩ Mạnh Dung đã được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho sự nghiệp giảng dạy. Mạnh Dung được khán giả truyền hình biết đến qua hình ảnh ông già Nam bộ chất phác, hồn hậu trong các phim Đất phương Nam, Những đứa con thành phố, Nghiệt Oan, Bình minh Châu Thổ, Cá rô anh yêu em... |
Châu Mỹ thực hiện