- Từ một diễn viên, soạn giả của nhiều vở hài kịch, ông chuyển sang "chuyên trị" vai ông già Nam Bộ nghèo khổ, hiền hậu. Bí quyết gì giúp ông diễn tốt?
- Tôi không có bí quyết nào ngoài việc đem đời mình vào trong vai diễn. Tôi khác các bạn diễn ở chỗ, buồn đến đâu, vui đến đâu thì đem lên sân khấu, phim ảnh chừng đó. Tôi không phải gồng mình lên để cho khán giả thấy mình đang diễn. Cuộc đời tôi không khác những vai diễn là bao.
Diễn những vai ông già khắc khổ, ngoài đời, cuộc sống của tôi cũng long đong không kém. Vừa bước qua giai đoạn nghèo khó, có được chút tiền từ nghề diễn, tôi lại gặp nhiều chuyện buồn trong gia đình. Trong nghiệp diễn, tôi nghiêm khắc với bản thân bao nhiêu thì trong gia đình tôi cả nể và nhu nhược bấy nhiêu.
- Cuộc sống gia đình của ông thế nào?
- Tôi vốn nghèo khổ từ nhỏ, không muốn các con sau này lớn lên cũng khổ như mình nên hết sức bao bọc chúng. Hậu quả là đến giờ, ở tuổi ngoài 60 tôi vẫn phải chu cấp cho con và trả nợ cho vợ. Tôi quan niệm tiền mất đi có thể làm lại được. Nhưng điều khiến tôi đau đớn nhất là sau chừng đó năm, tôi nhận ra vợ tôi không thật sự thương yêu chồng. Nếu có, cô ấy đã làm điều gì khác chứ không phải khiến tiền bạc trong nhà tiêu tán, còn các con sống dựa dẫm vào bố mẹ.
- Ông vượt qua những tháng ngày buồn đó như thế nào?
- Tôi còn nhớ khoảnh khắc buồn nhất của mình vào một đêm giao thừa nhiều năm trước. Hai vợ chồng cãi nhau, tôi xách đồ bỏ đi với chỉ 150 nghìn đồng trong túi. Không đủ tiền thuê khách sạn nhưng tôi cũng không dám nhờ bạn bè. Sau cùng tôi ghé Hội nghệ sĩ, được hai anh bảo vệ nhường ghế cho ngủ tạm. Nhưng tôi từ chối và ngủ trên đá ngoài hành lang khu nhà. Gần trưa hôm sau, đang mệt và đói thì diễn viên Đỗ Thành An xuất hiện, rủ tôi về phòng trọ tắm rửa, ăn trưa để chuẩn bị cho suất diễn chiều. Tới phòng trọ của An, tôi bỗng thấy nhớ nhà vô cùng. Lúc đó, con trai út gọi điện khóc lóc. Vậy là xong suất diễn, tôi lại về nhà.
Cuộc sống của tôi triền miên như vậy cho đến gần đây tôi quyết định ly hôn sau nhiều năm vợ chồng sống ly thân. Tài sản duy nhất là căn hộ chung cư sẽ trao lại cho con trai út. Tôi bây giờ giống như đang ở trọ trong chính ngôi nhà của mình.
- Điều gì khiến ông không thể chịu đựng thêm để níu giữ cuộc sống gia đình?
- Tôi là con của một người cha có nhiều vợ bé nên tôi hiểu cảm giác của đứa con ra sao. Tôi không muốn con mình sau này sẽ giống bố nó. Nhưng càng hy vọng, tôi càng thất vọng vì tình hình ngày càng trở nên tệ hơn. Mâu thuẫn giống như căn bệnh ung thư. Nếu không cắt bỏ, mình sẽ phải sống chung với nó cả đời. Trong lúc cô ấy giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ, tôi đã suy nghĩ và đưa ra quyết định ly hôn.
Trước giờ, trong mọi chuyện, tôi đều cho mình là người có lỗi. Nhưng lần này không hiểu sao tôi không hề thấy lỗi thuộc về mình. Cái sai của tôi là đã không tạo điều kiện cho vợ con biết tự lập.
- Các con phản ứng thế nào với quyết định này của ông?
- Trước giờ chúng đều đứng về phía mẹ. Nhưng lần này tôi giải thích rõ ràng cho các con hiểu. Chính thằng con trai út từng nhiều lần cầm tiền tôi đưa để trả nợ cho mẹ nó nên nó hiểu rõ nhất. Chúng cũng đã trưởng thành và tôn trọng mọi quyết định của tôi.
- Hiện tại, cuộc sống sau ly hôn của ông thay đổi ra sao?
- Cuộc sống cũng không có nhiều thay đổi lớn, bởi trước kia chúng tôi sống cùng nhà nhưng chuyện ai người ấy lo. Sau khi ly hôn, con trai út hiểu và thương tôi nhiều hơn. Cháu đã bắt đầu đi làm và hạn chế xin tiền tôi. Hiện tại, tôi vẫn chu cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng cho con trai thứ hai đang cai nghiện trong Viện nhân ái và 2 triệu đồng cho vợ cũ. Nhiều đêm nằm ngủ tôi vẫn thấy thương, không biết cô ấy sẽ làm gì để sống nếu tôi không gửi tiền.
- Ông nghĩ sao về chuyện sẽ gắn bó với một người phụ nữ khác?
- Cũng có nhiều phụ nữ thương tôi, muốn tặng tôi cái này cái kia. Trong số đó có người thương mình thật tình, cũng có người thương mình vì danh tiếng. Dù vậy, tôi cho là khó tìm được một người thật lòng với mình. Ngoài việc mất niềm tin vào phụ nữ, giờ tôi sợ phải có trách nhiệm với ai đó. Một vợ tôi còn chưa nuôi nổi huống chi gánh thêm bà thứ hai.
Tôi giờ như con chim bị tên sợ cành cây cong, sẽ ở vậy cho đến cuối đời.
- Vậy ông dự tính ra sao cho tương lai của mình khi không còn sức khỏe để đi diễn?
- Căn hộ này tôi sẽ giao lại cho con trai út khi nó lập gia đình. Vì nhà rất nhỏ, tôi cũng không muốn phiền hà con nên sẽ cố dành dụm tiền, mua một mảnh đất ở ngoại ô, cất một căn nhà nhỏ. Hàng ngày tôi trồng rau, trồng hoa và viết kịch bản kiếm sống.
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham dự liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông đã giành được 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu IDECAF, 5B, kịch Phú Nhuận... Lê Bình còn được biết đến với vai trò diễn viên trong hơn 60 phim truyện nhựa và phim truyền hình. Ông được nhắc nhiều qua các phim Mùa len trâu, Đất phương Nam, Vịt kêu đồng, Cô gái xấu xí... |
Châu Mỹ thực hiện