Hà Lê là khách mời thứ hai trong chương trình Nam jazz night của nghệ sĩ Tuấn Nam. Diện "cây" đen với mũ nồi, vest cách điệu, anh biểu diễn hai ca khúc Ở trọ và Mưa hồng, nằm trong dự án Trịnh Contemporary - từng ra mắt năm 2018 của anh. Trước khi hát, ca sĩ nói hồi hộp, không biết khán giả phía Nam sẽ đón nhận tiết mục ra sao.
Trên nền nhạc jazz do Tuấn Nam dẫn dắt với organ, ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc khoác lớp áo mới. Hà Lê biểu diễn nhạc phẩm bằng phong cách sôi động, vui tươi cùng nhiều động tác đậm chất hip hop. Ở một số đoạn, anh xử lý bằng lối gằn giọng, luyến láy mang hơi hướng R&B. Giữa bài hát, ca sĩ ngẫu hứng với một đoạn rap do anh tự viết lời: "Bao nhiêu năm mới tu được thành người/ Chu du trong nhân gian của loài người/ Tương lai ta đi đâu thì cũng sẽ không sao đâu/ Vì ta vẫn chưa đi hết một cuộc đời/ Yêu thương ta dành gửi trao em".
Với Mưa hồng, anh biểu diễn cùng ca sĩ Dương Hoàng Yến. So với các bản thu nổi tiếng của Khánh Ly, Tuấn Ngọc, tiết mục của Hà Lê đẩy mạnh về phần tiết tấu với sự hỗ trợ của dàn nhạc, gồm organ, trống jazz, cello, saxophone... Lối hát của anh biến hóa, khó đoán hơn khi "phiêu" theo tinh thần âm nhạc underground. So với đồng nghiệp, Dương Hoàng Yến rụt rè hơn, thỉnh thoảng quên lời, phải nhờ Hà Lê hát đỡ ở một số đoạn.
Nhiều khán giả hưởng ứng tiết mục nồng nhiệt. Họ giơ cao đèn flash của điện thoại, vẫy theo tiếng hát của nghệ sĩ. Lần đầu nghe Hà Lê hát, anh Nghĩa Trần (quận Bình Thạnh) cho biết vốn quen với nhạc Trịnh qua bản thu của những giọng ca gạo cội. "Tôi thích cách Hà Lê đổi mới nhạc Trịnh vì đúng chất 'đương đại', phá cách nhưng vẫn giữ được tinh thần nguyên bản. Tôi chỉ tiếc âm thanh dàn nhạc hơi lớn, nhiều đoạn giọng ca sĩ bị 'đè' nên không nghe rõ lời", anh nói.
Nhiều ca sĩ khác trong đêm nhạc cũng hát lại các ca khúc vang bóng một thời với nền phối khí đậm chất jazz. Trình bày Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Lê Hiếu xử lý bay bổng, mềm mại hơn so với lối hát day dứt trong bản thu nổi tiếng của danh ca Lệ Thu. Khi anh hát Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng), nhiều khán giả vỗ tay theo nhịp tiết mục. Đinh Hương hát Khi xưa ta bé (nhạc Pháp: lời Việt) bằng bản phối mang hơi hướng soul/blues. Dương Hoàng Yến chọn Feeling good - nhạc phẩm kinh điển thập niên 1960 - trên nền hòa âm kịch tính. Soobin Hoàng Sơn đem đến không khí trẻ trung với tiết mục Và thế là hết do anh sáng tác.
Nghệ sĩ Tuấn Nam là "linh hồn" của đêm diễn. Có lúc, anh phối hợp với ban, trình diễn jazz trên nền nhạc sôi động, giàu tiết tấu. Lúc khác, anh cùng nghệ sĩ gạo cội Quyền Văn Minh lắng mình trong giai điệu của bản hòa tấu Nhớ về Hậu Giang (Quyền Văn Minh sáng tác). Dù chơi piano hay organ, Tuấn Nam thể hiện phong thái nhẹ nhàng, ung dung. Tiếng đàn của anh quyện với các nhạc cụ khác nhưng vẫn mang sắc thái riêng, không bị mờ nhạt.
Nhìn Tuấn Nam dẫn dắt chương trình, nghệ sĩ Quyền Văn Minh xúc động. Được gọi là "bố già của làng jazz", ông từng tổ chức một show chuyên về dòng nhạc này năm 2005. Dù vậy, thời ấy, jazz bị nhiều người khước từ vì còn lạ lẫm, khó tiếp cận. 15 năm sau, ông hạnh phúc khi jazz chính thức được vang lên giữa lòng Sài Gòn, qua tiếng đàn của Tuấn Nam - người ông từng khuyến khích theo đuổi dòng nhạc này từ bé. "Tôi kỳ vọng còn nhiều đêm nhạc đưa jazz Việt lên một đẳng cấp mới, đến với đông đảo công chúng", ông nói.
Pianist Tuấn Nam sinh năm 1984, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng học thạc sĩ ngành Piano Jazz ở Thuỵ Điển. Năm 2010, anh tổ chức liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP HCM, với sự góp mặt của nhóm tam tấu Trio Per Oscar Nilsson (Thuỵ Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc và thầy giáo của anh - giáo sư Håkan Rydin (Thụy Điển). Sau đó, anh gia nhập ban nhạc Anh Em. 10 năm gắn bó với ban, anh chơi và khám phá nhiều thể loại nhạc khác. Đầu năm nay, Tuấn Nam rời Anh Em để thỏa khát khao chơi, sản xuất và phổ cập nhạc jazz.
Mai Nhật