Cuối những năm 1980, xã hội Việt Nam chuyển giao từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Lúc này, văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào trong nước và tiếp cận với người Việt, đặc biệt là giới trẻ, thông qua âm nhạc. Tuy nhiên, đời sống còn khó khăn nên các gia đình, nhất là những nhà sống ở vùng làng quê, để mua được một chiếc đài cassette phải thuộc diện có điều kiện, hoặc gia đình có người đi lao động tại Liên Xô, Tiệp Khắc cũ. Có nhiều ngôi làng lúc đó có vỏn vẹn hai, ba chiếc đài cassette.
Thanh niên thời đó "máu" nghe nhạc "Tây" không nhiều, đa số nghe Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh hay Tuấn Vũ. Nhạc "Tây" bắt đầu len lỏi vào những người trẻ ở nông thôn khi họ có những người họ hàng hay người quen sống ở Hà Nội. Những tháng hè khi được lên thủ đô, nhiều người bắt đầu biết tới Smokie, ABBA, Sandra và lâu dần, những giai điệu âm nhạc tiếng Anh được gọi là "quốc tế" dần xâm nhập các làng quê yên bình. Những giai điệu Disco dễ nghe, bắt tai của Boney M, Modern Talking hay Joy khiến nhiều người mê mẩn dù không hiểu tiếng. Chỉ cần âm nhạc được cất lên, ai nấy đều phải nhún nhảy và ngân nga theo.
Tuy nhiên, điện thời đó ở các làng quê không dễ để hưởng thụ âm nhạc. Có những thôn được xã cấp điện hai giờ mỗi ngày, hai ngày mỗi tuần và thường vào buổi tối. Ngày được đóng điện thì cả làng bật đèn, nguồn yếu nên chỉ 30 phút là sụt nguồn. Khi mở giai điệu "Chaly chaly cúc cu, chaly chaly cu" (Daddy daddy cool - viết theo kiểu nói của người Việt ngày xưa theo lời bài hát Daddy Cool của nhóm Boney M), thanh âm lúc đầu nghe rõ tiếng, giọng và bass đâu ra đó nhưng chỉ một lúc sau là tiếng méo dần vì điện không đủ tải. Một số nhà có đài cassette phải mua thêm bình ắc quy 12 vol để chạy máy nhưng cũng chẳng kéo dài được lâu.
Dù tiếng được tiếng không, tiếng tròn tiếng méo nhưng nhiều đứa trẻ, những ai trong độ tuổi mới lớn vẫn máu mê nghe nhạc và tìm cách nghe ké nhà hàng xóm. Những ngày Tết đến, trong thời khắc đón giao thừa, cả làng đốt pháo. Sau tiếng pháo nổ đì đùng với mùi khét và khói len lỏi qua màn sương, mưa phùn ùa vào nhà hòa quyện với mùi hương thắp trên ban thờ tổ tiên. Trong khoảnh khắc ấy nhiều năm liền, giai điệu trong chiếc băng cassette Boney M lại vang vẳng trong xóm, tạo cảm xúc rộn ràng cho nhiều chàng trai, cô gái mới lớn. Trong nhà, hai lọ hoa violet và thược dược bắt đầu nở, mỗi nhà lại quây quần với bữa cơm Tết đầu năm.
Trải qua một thời gian khi bước sang thời kỳ đổi mới, tới đầu thập niên 1990, đời sống ở mỗi gia đình vùng nông thôn lại được cải thiện. Nhiều nhà tích cóp được tiền và sắm một chiếc cassette cho "oách" với làng xóm. Thanh niên yêu thích nhạc Disco quốc tế thời kỳ này được thỏa mãn với thú chơi băng cassette. Với những ai trải qua giai đoạn đó, cuốn băng Boney M 1979 là "đỉnh" nhất, được nhiều người chuyền tay cho nhau mượn để nghe, thậm chí nghe nhiều quá nên băng mở bị rối liên tục, mỗi lần ngồi gỡ băng là chủ nhân lại toát hết cả mồ hôi.
Chiếc đài cassette được nhiều người chăm chút như báu vật, chiếc khăn Bombay luôn che phủ cẩn thận để tránh bụi, đầu từ luôn được lau chùi kỹ lưỡng. Khi có thời gian, nhiều thanh niên lại rủ nhau ra đầu làng tập nhảy với giai điệu của Daddy Cool, River of Babylon của Boney M, Hey Hello, Touch by Touch của Joy, You’re a Woman của Bad Boys Blue, You’re My Heart You’re My Soul của Modern Talking... Nhiều đám cưới khi ấy, các thanh niên lại tới "dọn xới để đi công phu" (ám chỉ đi nhảy nhóm theo các giai điệu Disco) và được dân làng cổ vũ nhiệt tình.
Trải qua hàng chục năm, có những giai điệu vẫn đi cùng năm tháng. Theo xu hướng mới, âm hưởng Disco của thập niên 1980 đang dần trở lại trong những sản phẩm âm nhạc quốc tế đương đại. Việc chơi lại đĩa than hay băng cassette cũng dần trở thành "mốt" mới trong thời đại công nghiệp 4.0. Với rất nhiều người từng trải qua thời kỳ thập niên 1980 ở nông thôn và trưởng thành với nhạc quốc tế, trên kệ đĩa than của họ vẫn luôn dành một góc cho những cái tên như Boney M, Modern Talking, Joy, Sandra, C.C.Catch... bởi đó mãi là những giai điệu gắn với thời tuổi trẻ đầy mơ ước của thế hệ 6x - 7x.
Dương Nguyễn