Năm 2004, trên sóng truyền hình VTV3 mỗi cuối tuần, khán giả háo hức đón xem các nghệ sĩ hài, trong đó có bộ ba Văn Hiệp, Giang Còi và Quang Tèo tung hứng. Văn Hiệp vào vai ông trưởng thôn nghiêm khắc nhưng cũng không kém phần hài hước, xuất hiện như người "cầm cân nảy mực" tất tần tật chuyện lớn, chuyện bé xảy ra quanh hai gã nông dân nhiều chuyện Giang Còi và Quang Tèo.
Hình ảnh Văn Hiệp trở nên quen thuộc với bộ quần áo bộ đội cũ, chiếc mũ dân phòng, băng rôn đỏ ở tay và chiếc còi giắt túi áo. Mỗi khi tranh chấp giữa Giang Còi và Quang Tèo nổ ra là ông trưởng thôn lại từ đâu chạy tới, tuýt còi ngừng cuộc đấu khẩu để phân giải. Từ mâu thuẫn đất đai, chuyện mất của, đến chuyện ghen ghét hàng xóm kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", đều xuất hiện bàn tay can thiệp của trưởng thôn.
Series tiểu phẩm hài "Gặp nhau cuối tuần" lúc bấy giờ đã mang đến một ông trưởng thôn của mọi nhà, giải quyết những câu chuyện có thể bắt gặp ở bất cứ ngôi làng, góc phố hay gia đình nào. Và "trưởng thôn" Văn Hiệp cũng gắn bó với nhiều khán giả truyền hình từ đó.
Hình ảnh vừa nguyên tắc, vừa hài hước của Văn Hiệp khiến người xem không khỏi bật cười. Vai diễn của ông chân chất, xuề xòa, gần gũi khiến Văn Hiệp được khán giả từ thành thị đến nông thôn yêu thích. Hình ảnh này gắn liền với Văn Hiệp đến nỗi, người ta có khi quên mất tên diễn viên mà chỉ gọi là ông trưởng thôn.
Ngoài "trưởng thôn" Văn Hiệp của Gặp nhau cuối tuần, khán giả truyền hình còn nhớ tới vai Hoạt trong "Người thổi tù và hàng tổng". Dù chỉ là vai diễn phụ bên cạnh Quốc Tuấn, Khánh Huyền, nghệ sĩ Văn Hiệp khiến khán giả không thể quên với câu cửa miệng "xét một cách toàn diện". Nhà nhà, người người khi đó đã đưa "xét một cách toàn diện" từ phim vào đời sống hàng ngày, như một câu nói vui hóa giải mọi căng thẳng trong cuộc sống. Khán giả cũng nhớ tới vai ông già nhà quê Văn Hiệp trong "Đông-ki ra thành phố" hay vai ông đại tá giải quyết mọi thủ tục hành chính theo phong cách "đơn giản gọn nhẹ" trong phim "Ông già hồn nhiên" - vai diễn để lại cho ông biệt danh ‘ông đơn giản gọn nhẹ’.
Ở lĩnh vực kịch, nghệ sĩ Văn Hiệp cũng ghi dấu ấn với vai diễn đầu tay trong vở hài kịch "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" của đạo diễn Dương Ngọc Đức. Trong vở này, Văn Hiệp tạo được một dấu ấn riêng biệt với vai Ốc láu cá nhưng đầy duyên dáng. Ngoài ra, tên tuổi của ông còn được biết đến qua vai cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo...
Nghệ sĩ Văn Hiệp từng tự nhận xét về mình: "Thứ nhất xấu giai. Thứ hai hơi thấp". Thiếu đúng một phân chiều cao để đủ tiêu chuẩn vào trường Sân khấu điện ảnh khóa đầu tiên (ông chỉ cao 1,59m trong khi tiêu chuẩn khi đó là 1,6m), Văn Hiệp bù lại bằng tài diễn xuất bẩm sinh của mình. Vai diễn đầu tiên - Lỳ trong vở "Lỳ và Sáo" của nhạc sĩ Văn Chung - khi ông mới học lớp 8 đã bộc lộ tư chất diễn viên của Văn Hiệp.
Có lẽ đối với nghệ sĩ Văn Hiệp, hài là một cái duyên. Kể cả vai chính kịch hay hài kịch, nét duyên của Văn Hiệp vẫn toát lên qua từng câu thoại, từng cử chỉ, diễn như không diễn, khiến người xem bật cười. Văn Hiệp không ngại những vai xấu. Ông xuề xòa như chính con người mình. Nghệ sĩ xuất hiện cả trong phim lẫn ngoài đời với hình ảnh chân chất, hom hem, khuôn mặt khắc khổ, đầy nếp nhăn nhưng luôn cười. Văn Hiệp cũng không ngại những vai phụ. Trong 40 năm nghiệp diễn của ông, với khoảng 1.000 vai, chủ yếu Văn Hiệp đóng vai phụ. Thế nhưng, chính vai phụ đó làm nên tên tuổi của ông, cũng như làm nên cái duyên của bộ phim.
Trong cuộc đời của Văn Hiệp, có hai thứ mà ông không thể bỏ, đó là thuốc lào và vợ, dù cả hai thứ này ít nhiều đều mang lại cho ông những muộn phiền. Văn Hiệp từng nhiều lần muốn cai thuốc lào nhưng cái thứ "đã chôn điếu xuống còn đào điếu lên" nó dính rịt lấy ông. Đến năm 70 tuổi, ông vẫn "chung thủy" với thuốc lào. Chính đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sức khỏe yếu kém của Văn Hiệp hơn một năm qua. Ông qua đời ở tuổi 71, theo chẩn đoán là vì bệnh ung thư phổi.
Văn Hiệp cũng không thể bỏ vợ. Vò võ một mình hơn 20 năm nuôi con, nghệ sĩ Văn Hiệp thường bị trêu đùa là "góa vợ", bởi vợ ông sang Đức xuất khẩu lao động không trở về. Thế nhưng, Văn Hiệp từng chia sẻ, có thế nào ông cũng không bỏ vợ. Họ ly thân nhưng không ly hôn. Mới đây, biết chồng bạo bệnh, người vợ đã đi đi về về giữa Đức và Việt Nam để chăm sóc ông. Nhưng khi ông mất, bà lại không ở Việt Nam.
Cái chết đột ngột của nghệ sĩ Văn Hiệp sáng 9/4 khiến nhiều độc giả quan tâm và bày tỏ sự thương tiếc. Chỉ hơn một giờ kể từ khi thông tin được đăng tải trên VnExpress, có tới hơn 12.000 độc giả ấn nút "chia sẻ" tới mạng xã hội Facebook. Bạn đọc ducoanhtb viết: "Không biết nói gì.... Tuổi thơ cháu là những tháng ngày gắn liền với những bộ phim của bác, vẫn nhớ hồi cấp 1, lúc bác và cả đoàn phim về chỗ cháu quay 'Gái một con', cháu còn chạy ra nhìn bác, bác ngồi châm điếu thuốc lào mà rít, cháu cảm giác như bác ngoài đời sống còn thoáng và vui vẻ hơn khi lên hình. Bác bị bệnh không người hâm mộ nào được biết, bác ra đi lặng lẽ để lại bao tiếc thương cho một thế hệ người Việt Nam gắn bó với hài của bác, với cả vai diễn của bác, bác Trưởng thôn Văn Hiệp...".
Còn bạn đọc có nickname Phạm Phong viết: "Tôi xem rất nhiều tác phẩm có vai danh hài Văn Hiệp nhưng lại nhớ dáng vóc của ông hơn là nhớ tên ông, hôm nay nghe tin nghệ sĩ hài Văn Hiệp qua đời tôi đọc tin mới biết là ông, thành thật chia buồn cùng gia đình ông và chúc ông luôn thanh thản bên kia thế giới, người nghệ sĩ nghèo đúng nghĩa".
Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp bắt đầu từ 10h ngày 11/4, lễ truy điệu diễn ra vào 12h cùng ngày. Thi thể ông được hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội.
Hà An