Căn nhà mặt phố 29 Cửa Nam, Hà Nội của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị vẫn đủ đầy những kỷ vật cũ. Cánh cửa gỗ ra vào căn nhà vẫn vẹn nguyên như 100 năm trước, cả bức tường vôi, chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp và những chiếc tủ đựng tài liệu bằng gỗ đã nhuốm lên mình những lớp bụi phủ mờ cùng những câu chuyện dường như chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm thức những người yêu tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006).
Căn phòng ở tầng hai, nơi cụ vẫn ngồi vẽ hàng ngày được con cháu thay nhau chăm sóc gọn gàng sạch sẽ như thuở xưa. Đó là cả một không gian hoài cổ với những bức tranh đẹp mê hồn của người họa sĩ tài hoa. Căn phòng có vẻ u tối đượm buồn nhưng chứa đầy sự sống, số phận trong những bức tranh. Con trai của cụ Lương Xuân Nhị - họa sĩ Lương Xuân Trình - chia sẻ rằng, thuở còn sống, họa sĩ Lương Xuân Nhị vốn là người gọn gàng, ngăn nắp. Chính vì vậy, bây giờ, những vật dụng của cụ vẫn được các con giữ gìn cẩn thận, vật nào để ở đâu vẫn nguyên chỗ cũ: từ bút vẽ, khung vẽ đến chiếc vợt tennis.
Họa sĩ Lương Xuân Trình chia sẻ: “Cha tôi sống ngăn nắp, đó là điều mà tôi ít thấy ở các họa sĩ. Ông xếp sắp các thứ đâu vào đấy, có thứ tự một cách rất khoa học để cần gì là tìm được ngay, vẽ xong là cọ rửa luôn. Cũng bởi bản tính như vậy nên cha tôi dạy học sinh rất nghiêm, từ việc nhỏ là rửa bút, học sinh nhiều lúc sợ vì cụ cứ lấy tay áo trắng blouse quệt thử xem đã sạch chưa. Có lần cụ cho học sinh xem cái khăn lau bút cụ giữ từ mấy chục năm, dùng xong lại giặt sạch sẽ, cất gọn gàng, không hoang phí. Có lần cụ còn bảo: “Cái giẻ lau này bằng tuổi thằng Trình đây! (lúc đó tôi cũng đã ngót nghét 30)”.
Họa sĩ Lương Xuân Nhị đến với hội họa như một mối duyên. Ông học vẽ từ năm 16 tuổi vì một lý do rất giản dị là gia đình ông có một cửa hàng bán bột màu. Ông đến với niềm đam mê cái đẹp từ những trò nghịch dại của tuổi thiếu niên với bột màu sẵn có. Sau đó, ông theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi đang là học sinh, ông đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng - Giải thưởng danh dự (1937) của Hội khuyến khích Mỹ thuật Mỹ nghệ Đông Dương tại Triển lãm của SADEAI. Họa sĩ Lương Xuân Nhị tham gia triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam và nước ngoài từ năm 1936. Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước bên đường của ông được Viện bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm… Năm 1990 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Ông là một họa sĩ tài hoa và kỹ càng trong sáng tác với những gam màu xanh đặc trưng. Đối với ông, màu sắc là ngôn ngữ riêng của một họa sĩ, đúng như ông nói: "Tôi tiếp nhận tất cả, nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình: thanh nhã và dịu dàng, tả thực, mơ màng, tươi tắn ấn tượng, huyền ảo với cái đẹp thuần Việt". Bởi vậy, người ta dễ dàng nhận ra “chất” làng quê của Lương Xuân Nhị thông qua những tác phẩm tiêu biểu như Mùa hạ (sơn dầu, 1934), Đi chợ tết (lụa, 1938), Gia đình thuyền chài (lụa, 1938), Bên bờ giếng (sơn dầu,1960), Nương sắn (sơn dầu, 1960), Thuyền và sông Hương (sơn dầu, 1980)…
Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp đã nhận xét: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị". Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người gọi cụ Lương Xuân Nhị bằng chú, chia sẻ: "Tôi được hưởng từ cụ quan điểm sống tự đủ, tự nhàn. Đời sống thanh nhàn thì đời sống nghệ thuật không bị đục đi trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp hơn, va chạm ngày càng mạnh hơn và áp lực ngày càng lớn hơn. Điều đấy làm cá nhân nghệ sĩ dễ bị tiêu hủy, tự mình hủy mình chứ đừng nói bên ngoài làm hỏng mình đi".
Họa sĩ Lương Xuân Nhị còn được gọi là họa sĩ của phái đẹp. Ông vẽ nhiều tranh về phái đẹp với những nét riêng không trộn lẫn. Ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Đây cũng là một điều rất kỳ lạ trong con người cụ. Một chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã, đẹp trai, bản thân phái đẹp cũng rất yêu quý cụ. Ở những thập kỷ 1930 - 1940, ông cũng là một người được phụ nữ đẹp tin cậy để thổ lộ những tâm tình".
Ngày 10/4 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Lương Xuân Nhị. Mọi kỷ niệm thuộc về cụ vẫn còn như mới ngày hôm qua trong lòng người quý mến cụ. Dường như, mỗi người họa sĩ, họ vẫn luôn có những điều bí mật đằng sau những bức tranh, đằng sau những số phận, đằng sau những toan màu. Để rồi giờ đây, những người ở lại, khi đến với không gian riêng tư của người họa sĩ đã trở về thiên cổ, bỗng thấy xao lòng bởi những điều cũ kỹ đã thuộc về quá khứ như thể có một sức mạnh khủng khiếp trỗi dậy. Bởi vì họ là hiện thân của cái đẹp trường tồn vượt thời gian…
* Một số tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Lương Xuân Nhị
Thùy Chi