Phim do Lars von Trier - nhà làm phim cực đoan người Đan Mạch - đạo diễn, chiếu ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) nhưng không tranh giải. Ở buổi ra mắt ngày 14/5, hơn 100 khán giả bỏ về bởi tác phẩm quá ghê rợn. Câu chuyện xoay quanh một tên giết người hàng loạt (Matt Dillon đóng) ra tay trong suốt 12 năm với niềm tin rằng mình không thể bị trừng phạt.
* Một số cảnh trong phim
Trên Rotten Tomatoes, tác phẩm nhận 43% ý kiến đánh giá tích cực. Nhìn chung, giới phê bình có hai luồng ý kiến khác nhau rõ rệt: khen ngợi Von Trier hoặc chỉ trích ông nặng nề. Indiewire xem tác phẩm là một "kiệt tác hoang dại", kề về cảm giác của con người bị giam hãm trong các lỗi lầm của mình đến mức không thể cứu rỗi, đồng thời đưa quan điểm về bản chất nghệ thuật. Trang này cũng đánh giá cao diễn xuất ám ảnh của Matt Dillon và cho rằng tài tử là yếu tố khiến The House That Jack Built không trở thành một phim chém giết hạng B. Independent chấm điểm 4/5 và khen phim bởi đi sâu vào tâm lý kẻ sát nhân và đề ra quan điểm táo bạo về việc từ bỏ thân thể để tạo ra nghệ thuật.
Trang Dork Shelf cho rằng khán giả có thể tìm thấy điều đẹp đẽ từ những hình ảnh ghê tởm với thông điệp rằng nghệ thuật có thể vươn lên từ đống bùn. Cây bút Jason Gorber của trang này cũng khen Von Trier bởi dám thực hiện một tác phẩm dị biệt, khác nhiều nghệ sĩ khác. Tờ Times chấm điểm 4/5 và nhận xét các cảnh gây sốc là để phục vụ cho các ý tưởng về tội ác và sự yếu đuối của con người, sự lạm dụng phụ nữ, mối quan hệ của nghệ thuật và tình yêu.
Tuy nhiên, nhiều cây bút cho rằng Lars Von Trier thất bại với tác phẩm mới. Guardian chấm điểm 2/5 và nhận định chỉ có hồi kết của phim là ấn tượng. Cây bút Peter Bradshaw của trang này chê thoại phim nhàm chán, giống như được dịch từ tiếng Đan Mạch (ngôn ngữ của đạo diễn) sang tiếng Anh bằng công cụ có sẵn của Google. Cách xây dựng nhân vật và sự kiện trong phim bị cho là thiếu thực tế (cảnh sát quá ngớ ngẩn).
Cây bút Bilge Ebiri của Village Voice cho biết rất hâm mộ Von Trier nhưng thất vọng với The House That Jack Built. Anh không chê phim bởi các yếu tố gây sốc mà bởi đạo diễn không thổi hồn được vào nhân vật. Ngoài ra, theo Ebiri, các tác phẩm của Von Trier trước đây hấp dẫn bởi sự luân chuyển giữa khuynh hướng thích thú với cái ác (sadism) và nhân đạo (humanism) trong cùng phim. Đến phim này, tính nhân đạo không được thể hiện rõ nên yếu tố kia cũng gây cảm giác trống rỗng.
Trong khi đó, Los Angeles Times cho rằng Von Trier chỉ lặp lại các chủ đề quen thuộc của chính mình mà không có đột phá. Cây bút Justin Chang của trang này cũng chê phim quay buồn tẻ, không tạo được sự căng thẳng trong các khung hình cảnh bạo lực. Còn Vanity Fair nhận định phim thừa các đoạn ghê rợn nhưng không thể hiện rõ nội dung tư tưởng.
Phim dài 155 phút, được hãng IFC Films mua bản quyền phát hành ở Mỹ nhưng chưa ấn định ngày chiếu.
Ân Nguyễn