Terry Richardson là tay máy yêu thích của hàng loạt "ông lớn" trong làng thời trang, từ các tạp chí Vogue, Harper's Bazaar, Rolling Stone... cho đến những thương hiệu hàng đầu như Tom Ford, Marc Jacobs hay Yves Saint Laurent. Hình ảnh của những sao hạng A từ Lady Gaga, Rihanna, Miranda Kerr hay Kate Upton đều qua tay nhiếp ảnh gia này. Bên cạnh những tranh cãi về tác phẩm mang tính nghệ thuật hay khiêu dâm, Terry Richardson còn gặp không ít scandal khi nhiều người mẫu từng làm việc với ông tố cáo họ bị lạm dụng tình dục. Steven Klein nổi tiếng với loạt hình ảnh quảng cáo cho các dòng thời trang như Calvin Klein, D&G và Alexander McQueen. Bên cạnh đó, anh còn quay MV cho các sao lớn như Madonna hay Lady Gaga. Nổi bật nhất là bộ ảnh đăng trên tạp chí 12 của Bulgaria vào năm 2010 với đầy rẫy hình các chân dài bị thương tích nặng nề. Tay máy nổi tiếng cho biết anh lấy cảm hứng từ những nạn nhân của thời trang để tạo nên bộ hình. Tuy vậy, công chúng không đón nhận như cách Steven Klein mong muốn. Series ảnh bị coi là sự cổ xúy bạo hành phụ nữ "đội lốt thời trang". Các tác phẩm của Steven Meisel xuất hiện nhiều nhất trên tạp chí Vogue Italy và Mỹ. Mỗi tấm hình được đăng đều tạo nên cuộc tranh cãi sôi nổi giữa giới mộ điệu. Một trong số đó là tấm Madonna cùng Naomi Campbell và Isabella Rossellini trong cuốn sách Sex vào năm 1992. Gần đây, Steven Meisel lại càng được nhắc đến nhiều hơn bởi các tấm hình ông chụp bắt đầu mang tính bạo lực. Bộ hình "Make Love Not War" của ông trên Vogue Italy năm 2006 bị không ít nhà hoạt động nữ quyền và hòa bình lên án vì cổ xúy cho bạo lực đồng thời tạo hình ảnh xấu về phái đẹp. Công việc của Oliviero Toscani gắn liền với các chiến dịch quảng cáo của hãng United Colors of Benetton. Những tác phẩm của ông lần nào được công bố cũng làm dấy lên làn sóng tranh luận. Ông từng bị lên án khi sử dụng ảnh chụp nhà hoạt động chống AIDS, David Kirby, chết trong bệnh viện hoặc dãy xác người để làm hình quảng cáo. Không giống những đồng nghiệp khác chỉ nhắm vào vấn đề tình dục và bạo lực, Oliviero là một trong số ít dám đả động đến chủ đề chính trị xã hội vào những tấm hình thời trang, đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc và xa lánh người đồng tính. Ngoài ra, ông còn từng gây tranh cãi khi tung ra bộ ảnh người mẫu siêu gầy quá cố Isabelle Caro để kêu gọi chống nạn biếng ăn vào năm 2007. Là một trong những nhiếp ảnh gia quyền lực nhất thế kỷ 20, Helmut Newton (1920 - 2004) đứng trong hàng ngũ tiên phong trong việc đưa hình ảnh người phụ nữ khỏa thân vào các tấm hình thời trang. Tên tuổi ông gắn liền với các tấm hình táo bạo đăng trên Vogue và Harper's Bazaar vào những năm 1950 và 1960. Sở dĩ gọi Helmut Newton là nhiếp ảnh gia gây tranh cãi thời bấy giờ bởi các tác phẩm của ông nằm trong số ít cổ vũ cho nữ quyền, nổi nhất trong đó phải kể đến series hình "Big Nude" và các tấm ảnh đăng trên Playboy. Nhiếp ảnh gia người Pháp Guy Bourdin (1928-1991) được nhớ tới với những thước hình theo trường phái siêu thực và trên phông nền tối. Ông là người truyền cảm hứng cho không ít tay máy hàng đầu hiện nay, trong đó có cả Jean Baptiste Mondino, David LaChapelle và Nick Knight. Mặc dù vậy, các tác phẩm của Guy Bourdin không dễ để cảm nhận đối với đa số công chúng bởi chúng quá bạo lực và khác người. Thành Trương Ảnh: BS, WPPeter Lindbergh, tay máy thời trang của mẫu phụ nữ tự do Nhiếp ảnh gia nhớ về khoảnh khắc chụp Audrey Hepburn