Là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu trong làng thời trang, Peter Lindbergh được nhớ tới như là người tạo nên "cơn sốt siêu mẫu" vào những năm 1980-1990. Điều gây thích thú cho các tín đồ thời trang trong mỗi tấm ảnh của ông không phải áo quần lộng lẫy hay phụ kiện đắt tiền mà ở những khuôn mặt cuốn hút nhưng giản dị của người mẫu. Đến nay, không ít tác phẩm của Peter Lindbergh vẫn truyền cảm hứng cho các tay máy hiện đại.
Một trong những bức hình biểu tượng của Peter Lindbergh là bìa Vogue số tháng 1/1990 với sự góp mặt của các chân dài Linda Evangelista, Naomi Campbell, Tatjana Patitz, Cindy Crawford và Christy Turlington. Không chỉ để người mẫu ăn mặc, trang điểm và làm tóc đơn giản, Peter Lindbergh còn mạnh dạn đặt hình ảnh các chân dài vào trung tâm bức hình. Kiểu bố cục tập trung vào hình thể người mẫu hơn là quần áo tạo nên cuộc cách mạng cho ảnh thời trang lúc bấy giờ.
Charlotte Cotton, tác giả cuốn The Observer nổi tiếng, đã ca ngợi những tấm hình lúc bấy giờ của Peter Lindbergh là "chân thực một cách tự nhiên chỉ với hai màu đen-trắng". Thậm chí, Karl Lagerfeld cũng phải ca ngợi rằng Peter Lindbergh sở hữu cái nhìn mới mẻ về phụ nữ khi đặt người mẫu vào trung tâm bức ảnh.
Peter Lindbergh giải thích quan điểm của ông: "Bản thân mỗi người phụ nữ lúc nào cũng quan trọng hơn quần áo. Những tấm ảnh tôi chụp cho thấy sự thay đổi của người phụ nữ từ vẻ ngoài trịnh trọng, kiểu cách, chỉ biết lo sợ những lời phán xét xung quanh gây ảnh hưởng tới địa vị xã hội thành người liều lĩnh, thẳng thắn, dám sống cuộc đời tự do, bất chấp mọi quy tắc xã hội và không cần nhờ người đàn ông nào".
Giữ quan điểm cá nhân, Peter thành công ngay từ những ngày đầu tạo dựng tên tuổi. Giám đốc nội dung của Vogue phiên bản Mỹ - Alexander Liberman - từng thách thức Peter Lindbergh rằng: "Anh bạn, hãy cho tôi xem những người phụ nữ anh muốn chụp như thế nào đi".
Không lâu sau đó, tay máy người Ba Lan gây chấn động làng mốt thế giới với tấm ảnh chụp chân dài Michaela Bercu diện áo thun Christian Lacroix giá 10.000 USD cùng quần jeans mài 50 USD trên tạp chí này vào tháng 11/1988. Tấm ảnh chụp gương mặt không tên tuổi khoác trên mình chiếc áo cao cấp phối với đồ bình dân thổi làn gió mới cho làng thời trang, tạo nên cuộc cách mạng cho Vogue sau này.
Với tư duy chụp ảnh như thế, thế hệ siêu mẫu thời 1980-1990 qua ống kính Peter xuất hiện chân thật như "tái hiện thế giới mà nó vốn có" theo nhận định của nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim Wim Wenders. Và cũng nhờ vậy, dàn siêu mẫu này thống trị làng mẫu thế giới suốt 15 năm sau đó.
Thành công vang dội, tuy nhiên ít người biết rằng cơ duyên đưa Peter Lindbergh tới nghiệp nhiếp ảnh thời trang đến rất tình cờ và tự nhiên.
Sinh ngày 23/11/1944 tại Leszno (Ba Lan), năm 18 tuổi, Peter rời quê hương tới sinh sống tại Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ma rốc bằng nhiều nghề khác nhau. Đến 1971, ông mới thích thú lĩnh vực nhiếp ảnh. Peter Lindbergh dành hai năm để làm trợ lý cho một tay máy chụp quảng cáo tại Dusseldorf.
Năm 1978, Peter bắt đầu cộng tác với tạp chí Vogue qua phiên bản của nhiều nước và được chú ý từ đây. Danh tiếng cũng đưa ông đến các tạp chí lớn khác như The New Yorker, Vanity Fair, Allure hay Rolling Stone.
Ngoài người mẫu, tay máy này còn thực hiện không ít bộ ảnh chân dung thời trang nổi tiếng cho các sao Hollywood. Có thể kể đến Catherine Deneuve, Mick Jagger, Charlotte Rampling, Nastassja Kinski, Tina Turner, John Travolta, Madonna, Sharon Stone hay John Malkovich. Năm 1992, tổng biên tập Harper's Bazaar, Liz Tilberis, đã sẵn sàng ký séc hàng triệu USD để mời Peter Lindbergh về làm nhiếp ảnh gia cho tạp chí này.
Các tác phẩm của Peter Lindbergh
Thành Trương
Ảnh: Vogue