Fifty Shades là bộ tiểu thuyết ba tập của nhà văn người Anh E.L.James, được xuất bản lần đầu năm 2011 và gần như ngay lập tức leo lên hạng nhất của tất cả bảng xếp hạng sách bán chạy trên khắp thế giới, từ New York Times, Amazon... đến giải thưởng National Book danh giá của nước Anh.
Không chỉ được tiêu thụ nhanh hơn Harry Potter (bản bìa mềm) với hơn 60 triệu bản bán ra trên khắp thế giới (tính đến tháng 12/2012), Fifty Shades còn được bán bản quyền dịch tới 37 quốc gia. Bản quyền tiếng Việt của Fifty Shades đã được Alpha Books đấu giá thành công, dịch và xuất bản trong tháng 1.
Giải thưởng Nation Book Award cho hạng mục "Tiểu thuyết phổ thông" và số lượng khổng lồ bản sách được bán ra của Fifty Shades chỉ khẳng định một điểm đơn giản: cuốn sách dành cho các bạn đọc phổ thông và được các bạn đọc phổ thông trên khắp thế giới đón nhận. Thành công bất ngờ của cuốn sách, với văn phong được giới phê bình nghiêm túc cho là xoàng xĩnh, chỉ có thể giải thích bằng một lý do đơn giản: cuốn sách hẳn phải động chạm đến một cái gì đó thật sự phổ quát của giới độc giả phổ thông ở thời đại toàn cầu hóa và Internet, hẳn phải có sự quyến rũ riêng nào đó khiến cho hàng chục triệu người tạm thời bỏ qua phim ảnh, âm nhạc, game và vô số món giải trí hấp dẫn khác để đến với từng trang sách. Nó sẽ không chỉ là nhục cảm, là đam mê thể xác, là vô số các đoạn tả cảnh "hoa tình" mà còn có những gì đó được pha trộn hợp lý để quyến rũ các bạn đọc nữ. Mà có lẽ còn hơn thế, nó quyến rũ cả các đấng mày râu, trực tiếp đọc hoặc gián tiếp hưởng thụ qua ý trung nhân của mình. "Hâm nóng cuộc sống gia đình", một câu các báo phương Tây thường dùng khi nhắc đến cuốn sách này, có lẽ cũng là một lý do mang đến sự thành công đại chúng của cuốn sách.
Nguồn gốc ra đời của Fifty Shades không có gì đặc biệt. Đầu tiên nó chỉ là một cuốn sách ăn theo, fan fiction, của bộ ba tiểu thuyết ma cà rồng Twilight. Sách loại này tất nhiên chỉ tồn tại trên mạng. Nhưng sau khi có phản hồi từ bạn đọc, tác giả của cuốn sách nhanh chóng lập website riêng cho tác phẩm của mình và phát triển nó thành một cuốn sách hoàn chỉnh có tên gọi Masters of the Universe. Cuốn sách được đón nhận trên không gian mạng và sau đó được một nhà xuất bản ảo tên là The Writers' Coffee Shop ở Australia xuất bản dưới dạng ebook. Ở phiên bản ebook này, cuốn sách được đổi tên thành Fifty Shades và chia thành ba tập. The Writer’s Coffee Shop không có nhiều tiền chi cho marketing nên họ chỉ dùng các công cụ marketing trực tuyến và chiến thuật truyền miệng. Cho đến khi cuốn sách này nổi như cồn trên mạng vào tháng 1/2012 thì nhà xuất bản Vintage Books mua bản quyền và xuất bản (có biên tập lại) vào tháng 4/2012. Trong vòng vài tháng sau đó, 60 triệu bản in đã được bán hết, bản quyền dịch được bán cho 37 nước.
Như vậy Fifty Shades là một cuốn sách như chúng ta vẫn gọi là văn học mạng, thành công khi được xuất bản thành sách in ở quy mô toàn cầu. Câu chuyện thành công của Fifty Shades, bất chấp sức hấp dẫn tự thân của nó ở khía cạnh gợi tình, nhục cảm, còn là một trường hợp thành công điển hình của viral marketing (tiếp thị truyền miệng) vốn là lợi thế vô địch của Internet.
Bên cạnh các lời chê về văn phong, về giá trị văn chương của cuốn sách (mà các lời chê thường là nặng nề) thì nhiều nhà phê bình và học giả uy tín vẫn nhìn thấy nhiều điều tích cực từ bộ sách. Giáo sư April Alliston của Đại học Princeton viết: "Dẫu rằng đây không phải là một kiệt tác văn học, Fifty Shades không còn là một tác phẩm ăn bám của người hâm mộ (fan fiction) của bộ sách Twilight". Tạp chí Entertainment Weekly thì cho rằng cuốn sách này tự nó lập ra một thể loại riêng cho nó, hay nói theo kiểu Việt Nam là "mình nó một chiếu". Jenny Colgan của tờ The Guardian thì dành cho cuốn sách các lời khen nhẹ nhàng: "vui vẻ sảng khoái, ngọt ngào và... an toàn". Thậm chí Jenny Colgan còn bảo cuốn sách này đọc còn "thú vị" hơn các cuốn sách hoa tình mà lại giàu chất văn học.
Tờ Telegraph phê bình tiêu cực về chất lượng văn học của cuốn sách, nhưng cũng phải chua thêm rằng xung đột tính dục trong Fifty Shades sẽ còn làm độc giả phụ nữ "nói đến nó trong nhiều năm nữa". Bài điểm sách của tờ Ledger-Enquirer mô tả Fifty Shades là một tác phẩm xấu xí, nhưng cũng phải thêm vào rằng đây là "nó cũng cham vào một khía cạnh hiện sinh của nữ giới", rồi đưa ra nhận định bênh vực "những [khía cạnh ấy] không phải là nguyên nhân của tội lỗi".
Phương Văn
(Đồng tác giả "Ai và Ki")