Bà Thảo là người có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch Covid-19 với tư cách thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước. Nữ bác sĩ đóng vai trò là người tiên phong thực hiện nhiều nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu, được đồng nghiệp gọi là "nữ tư lệnh hồi sức".
Phó giáo sư là tác giả một số đề tài mang tính mở đường như Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh, Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng có tính ứng dụng cao. Những đề tài này góp phần giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, giảm sự tiến triển của suy đa tạng, chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện. Bác sĩ còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết...
Là một trong những người đầu tiên được cử đi học kỹ thuật oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) tại Bệnh viện Đại học Regensburg (Đức), khi về nước cách đây hơn 10 năm, bác sĩ Thảo đã cùng đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký triển khai kỹ thuật mới và đưa vào hoạt động thường quy trong chuyên ngành. Đến nay, ECMO đã được sử dụng phổ biến, cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay tôn vinh 6 tập thể và 10 cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, y học, công tác xã hội, phát triển cộng đồng. Giải thưởng thành lập từ năm 2002.
Tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh bày tỏ niềm cảm kích trước những tấm gương phụ nữ bình dị với khát khao mãnh liệt là đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Những tập thể và cá nhân được vinh danh đại diện cho rất nhiều phụ nữ ngày đêm thầm lặng cống hiến, hy sinh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, theo Phó Thủ tướng.