Chị Thơ là nữ bác sĩ duy nhất trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện các tỉnh khi xảy ra dịch. Hiện bác sĩ Thơ có mặt trong đội phản ứng nhanh chi viện Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên.
Theo danh sách vừa được Forbes Việt Nam công bố, bác sĩ Thơ được vinh danh là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19.
Bác sĩ Thơ cùng trưởng khoa là tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, lãnh đạo gần 70 thành viên Khoa Bệnh Nhiệt đới, điều trị thành công hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam. Đây là hai bố con người Trung Quốc, phát hiện nhiễm virus ngày 22/1/2020.
Khi ấy, các y bác sĩ đã vượt qua những áp lực lớn do Covid-19 còn quá mới mẻ, thông tin dịch bệnh chưa đầy đủ, bệnh nhân bất đồng ngôn ngữ, ban đầu bất hợp tác, quy trình khám chữa bệnh đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm chưa hoàn thiện, nguồn thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế chưa tối ưu... Hai bệnh nhân khỏi Covid-19, xuất viện lần lượt sau hai và ba tuần điều trị. Đây là thành công bước đầu trong cuộc chiến phòng chống Covid -19 tại Việt Nam.
Liên tục hai năm 2020 và 2021, bác sĩ Thơ không đón Tết bên gia đình do tham gia vào các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện tại Bình Thuận, Gia Lai, Kiên Giang...
Đội phản ứng nhanh được Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập, có nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương khi dịch diễn biến phức tạp. Bác sĩ Thơ cho rằng "những bài học từ một năm chống dịch bằng đến 5 năm làm nghề y".
Bác sĩ Thơ làm việc ở Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2006. Đến năm 2015, ở tuổi 33, chị là phó khoa trẻ nhất thời điểm đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Là người duy nhất trong gia đình theo nghề y, bác sĩ Thơ đối diện nhiều thử thách, luôn lạc quan, cố gắng tách áp lực công việc ra khỏi cuộc sống gia đình.
Được các đồng nghiệp nhận xét là người dễ mến, có sự thấu cảm về nghề và cuộc sống, bác sĩ Thơ xem sự đồng cảm là "vũ khí mềm" thêm sức mạnh vượt qua áp lực. Hạnh phúc với chị đơn giản là hàng ngày được đến bệnh viện, khám cho bệnh nhân và nhìn thấy họ khỏe hơn.
"20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021" là danh sách lần đầu tiên do Forbes Việt Nam bầu chọn. Mục tiêu là tôn vinh những phụ nữ dù khác biệt về lĩnh vực, tuổi tác, cương vị, mức độ ảnh hưởng, nhưng có điểm chung là "sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ".
Lĩnh vực y tế, danh sách còn có phó giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bà Mai có gần 30 năm kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới của virus, dịch tễ học phân tử, miễn dịch và phát triển vaccine. Bà Mai cũng là tác giả của nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín. Các nghiên cứu và phòng thí nghiệm do bà lãnh đạo đã góp phần ngăn chặn các đợt dịch bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại Việt Nam tháng 3/2003. Nhờ vậy, ngành y tế có thể khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS), phát triển quy trình thực hành an toàn sinh học tại Việt Nam. Cũng nhờ Viện lưu giữ virus SARS-CoV ở phòng thí nghiệm mà Việt Nam có thể định dạng nCoV - virus gây Covid-19. Virus cúm A/H5N1 do phòng thí nghiệm phân lập cũng từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vaccine.