Đây là năm thứ 3 hành nghề bác sĩ của Rangel. Con trai 3 tháng tuổi của cô bị sốt. Rangel không thể đến trễ ca trực tại bệnh viện và nhà trẻ sẽ không tiếp nhận con trai cô khi cậu bé mắc bệnh. Để ứng biến, cô pha thuốc hạ sốt vào chai nước của con và chở cậu bé tới trường, hy vọng các cô giáo không nhận ra.
Trong ca phẫu thuật cuối ngày, Rangel liên tục kiểm tra đồng hồ, cố gắng kết thúc đúng giờ để đến trường đón con.
"Tôi cảm thấy mình không phải một người mẹ, người vợ hay một bác sĩ tốt. Tôi phải từ bỏ thứ gì đó. Đôi khi tôi nghĩ đến chuyện bỏ việc", Rangel cho biết.
Rangel đang chật vật cân bằng công việc và trách nhiệm làm mẹ. Phẫu thuật là đam mê lớn nhất của cô khi còn học trường y. Bạn bè từng cảnh báo, trở thành bác sĩ đồng nghĩa với việc mất đi cuộc sống cá nhân. Cô sẽ không có thời gian dành cho con cái và chẳng người đàn ông nào muốn bên cạnh một phụ nữ thường xuyên ở trong phòng mổ. Dù vậy, cô vẫn lựa chọn trở thành bác sĩ nội trú, chuyên khoa phẫu thuật.
Rangel là một trong nhiều nữ bác sĩ đã có gia đình, chật vật cân đối giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Các trường y ở Mỹ tiến tới bình đẳng giới, song, một số chuyên khoa vẫn ưu tiên lựa chọn sinh viên nam, đặc biệt là phẫu thuật. Phụ nữ chiếm 23%.
Cuộc khảo sát thực hiện tại Đại học Harvard vào tháng 10 năm nay cho thấy, 72% sinh viên nữ cho rằng bất lợi giới tính gây ra sự chán nản trong quá trình học y. Học viên nữ không thể cân bằng giữa sự nghiệp và trách nhiệm làm mẹ. Chương trình bác sĩ nội trú kéo dài 7 năm, đòi hỏi 80 tuần làm việc. Tính chất công việc không đủ linh hoạt để cân bằng với đời sống cá nhân.
Quá trình học tập hầu hết tập trung vào giai đoạn từ 23 đến hơn 30 tuổi, khoảng thời gian sinh nở lý tưởng của phụ nữ. Quy định nghỉ thai sản của bác sĩ nội trú giữa các chuyên khoa là khác nhau, tuy nhiên nhiều người chỉ được nghỉ 6 tuần. Sau khi trở lại bệnh viện, ca làm việc 12 giờ khiến việc chăm con, cho bú, thậm chí là ngủ trở thành một thách thức.
Nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy 39% nữ bác sĩ mang thai trong thời kỳ nội trú cân nhắc bỏ học, 30% khuyên nữ sinh viên y khoa chọn ngành nghề khác.
Tiến sĩ Gifty Kwakye, 38 tuổi, một trợ lý bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Michigan cho biết, cân bằng giữa công việc và trách nhiệm làm mẹ là vô cùng khó khăn. Cô thường xuyên thức dậy vào ban đêm để cho con bú. Nhà Kwakye dán đầy giấy nhớ với những lời nhắc nhở như mang máy hút sữa đi làm, túi nước đá trữ lạnh sữa...
Kwakye cảm thấy tội lỗi khi phải xa con suốt 12 giờ trong ngày. Cô từng chứng kiến con trai mình chạy đến bên cô giáo và cất tiếng gọi "Mẹ".
"Thằng bé không muốn gặp tôi, và tôi cho rằng mình đáng bị như vậy. Điều này dễ hiểu, bởi con không biết tôi là ai. Tôi thất bại với tư cách là một bác sĩ nội trú, và thất bại trong cả việc làm mẹ", Tiến sĩ Kwakye chia sẻ.
Cô từng ngồi khóc trong xe hơi suốt buổi sáng vì không muốn rời xa con mình.
Alex Moore, bác sĩ tại Bệnh viện Brigham and Women cho biết, phải rời xa đứa con 6 tháng tuổi là vô cùng khó chịu bởi cô đã nghiên cứu về tầm quan trọng của sự gắn kết giữa mẹ và con trong những tháng đầu đời.
Công việc tại chuyên khoa phẫu thuật không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động lên sức khỏe thể chất của phụ nữ. Các bác sĩ đôi khi phải làm việc liên tục 12 giờ mà không ăn, thậm chí uống nước.
Bác sĩ Rangel sinh non hai lần. Cô tự trách bản thân vì đã bỏ bê sức khỏe khi đang mang thai.
"Bạn biết rằng mình đã không chăm sóc bản thân tốt trong suốt thai kỳ, bởi bạn muốn trông thật mạnh mẽ trong mắt các đồng nghiệp", Rangel chia sẻ.
Bác sĩ Kwakye cũng vật lộn với vấn đề tương tự. Cô kể lại: "Tôi gặp khó khăn khi sinh và chồng tôi đã hỏi ‘Liệu có phải do công việc bác sĩ nội trú của em không?".
Báo cáo trên Tạp chí Phẫu thuật Thần kinh Quốc tế ước tính, với xu hướng hiện tại, ngành bác sĩ phẫu thuật sẽ mất tới 120 năm để đạt được sự bình đẳng giới.
Sarah Shubeck, một bác sĩ nội trú tại Đại học Michigan cho biết, cô đã thực hiện nhiều cuộc vận động giúp các nữ bác sĩ được phép sử dụng phòng nghỉ để hút sữa với hy vọng chấm dứt sự kỳ thị xung quanh việc cho con bú nơi làm việc.
Trong khi đó, tiến sĩ Rangel nhận định, cần có sự cải cách trong chế độ nghỉ phép của các bậc cha mẹ. Chính thời gian nghỉ đẻ ngắn ngủi khiến nhiều người định kiến với việc bác sĩ có thai tham gia phẫu thuật. Nhiều bác sĩ cảm thấy mang bầu trở thành gánh nặng.
John Fromson, Phó khoa Tâm thần học tại Bệnh viện Brigham and Women cho biết, một số cơ sở đã cố gắng thành lập phòng trông trẻ tại chỗ để hỗ trợ các nữ bác sĩ. Tuy nhiên, việc vận hành vô cùng tốn kém và tình trạng quá tải xảy ra thường xuyên.
Hầu hết, nữ bác sĩ nội trú phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng, cha mẹ và bạn bè. Bác sĩ Alex Moore cho biết, chồng cô, một luật sư, là người đưa đón và chăm sóc con cái.
Thực tế, các bác sĩ đã lập gia đình có sự nhạy cảm riêng biệt trong công việc. Danielle Cameron, bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết, cô cảm thông và đáp ứng tốt nhu cầu của bệnh nhân hơn sau khi sinh con.
Thục Linh (Theo New York Times)