Bác sĩ Ngọc Hà, 32 tuổi, công tác tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM. Anh chia sẻ, người học và hành nghề y đều để thực hiện thiên chức cứu người, giúp người bệnh khỏe mạnh trở lại. Tuy nhiên, không phải bệnh nào cũng có thể chữa khỏi, như các trường hợp bệnh mạn tính, ung thư giai đoạn cuối, tai nạn giao thông nguy kịch, chết não, đột tử...
"Chúng tôi được huấn luyện để bình tĩnh đối mặt cái chết. Nhưng chứng kiến bệnh nhân của mình đau đớn trước khi qua đời là trải nghiệm chưa bao giờ dễ dàng", bác sĩ Hà tâm sự.
8 năm qua nhiều lần anh rơi vào "cơn buồn vô tận". Lần đầu tiên vào năm thứ hai làm bác sĩ nội trú, anh tiếp nhận một nam bệnh nhân 60 tuổi sốt cao liên miên, uống thuốc gì cũng không cắt sốt dứt điểm. Anh đọc mọi y văn, tham khảo từ đồng nghiệp, cho bệnh nhân thực hiện tất cả các loại xét nghiệm, chụp chiếu, phân tích... song không tìm ra căn nguyên bệnh. Người bệnh đi khắp các bệnh viện lớn ở Sài Gòn để khám, cũng không có đáp án.
Nửa năm sau, khi các cơn đau ở ngực dồn dập, cơ thể suy kiệt, người đàn ông nhập viện mới phát hiện khối u ác tính trong phổi. Đáng tiếc, bệnh đã ở giai đoạn cuối cùng, việc điều trị không còn đáp ứng, tiên lượng sống chỉ tính bằng ngày.
Bác sĩ trẻ giằng xé giữa hai luồng suy nghĩ. Anh nên nói sự thật để bệnh nhân chuẩn bị tinh thần, tranh thủ những ngày cuối cùng thực hiện nốt những tâm nguyện dang dở, hay chỉ thông báo cho người nhà và giấu bệnh nhân để ông không sốc, không tuyệt vọng mà phản ứng tiêu cực? Qua một đêm mất ngủ, cuối cùng bác sĩ Hà thu hết can đảm, thẳng thắn nói với bệnh nhân: "Cuộc chiến này chúng ta thua rồi chú ạ!".
Điều anh không ngờ tới là bệnh nhân nén cơn đau, mỉm cười gật đầu, ra hiệu ông hiểu. Nắm tay bác sĩ, ông trăn trối với các con: "Ba mất, các con không được trách giận gì anh Hà cả. Phải coi anh như người trong nhà, nghe con". Sau đó, ông xin về nhà để quây quần bên vợ con nốt quãng thời gian ngắn ngủi còn lại. Hai tuần sau, bệnh nhân nhắm mắt thanh thản khi những di nguyện đã được các con thay nhau hoàn thành.
Từ đó, bác sĩ Hà nhận ra rằng điều tốt nhất nên làm với những trường hợp cận tử là trung thực. Người bệnh có quyền được hiểu rõ bệnh tình của mình, một cách chính xác, đơn giản theo chiều hướng tích cực. Nhiệm vụ của bác sĩ lúc này là xoa dịu nếu bệnh nhân bị sốc, giải tỏa tinh thần u uất cho họ. Vậy là ngoài việc điều trị tích cực, anh trò chuyện, tâm sự, động viên bệnh nhân nhiều hơn.
Đầu năm 2019, trong khóa học chuyên khoa I tại Đại học Y dược TP HCM, bác sĩ Hà lần đầu tiên tiếp cận bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ một cách bài bản, đầy đủ. Anh nhận ra đây chính là điều mà bệnh nhân cận tử cần, bao gồm chăm sóc thể chất, tâm lý và tâm linh.
Về thể chất, bác sĩ tùy vào mức độ đau của người bệnh để kê loại thuốc kiểm soát phù hợp. Về tâm lý thì giải quyết những khúc mắc trong quá khứ, kết nối bệnh nhân trò chuyện với bạn bè, người thân lâu ngày không gặp, đưa họ đi chơi, ăn những món yêu thích... Còn chăm sóc tâm linh thì nhạy cảm hơn, như tìm hiểu di nguyện của bệnh nhân muốn cử hành tang lễ theo hình thức nào, chôn cất ở đâu... Nói chung, bác sĩ sẽ đóng vai trò định hướng, giúp bệnh nhân và người nhà lên danh sách những việc họ mong muốn và thực hiện chúng trước khi qua đời.
"Đôi khi, bệnh nhân chỉ muốn bớt đau, bớt khó thở, ăn uống vệ sinh được, hay ngủ một giấc trọn vẹn. Chúng tôi làm mọi cách để họ thoải mái nhất trong khoảng thời gian khó khăn nhất", bác sĩ Hà nói.
Có những trường hợp, vì những lý do riêng, người nhà lựa chọn từ chối cho bệnh nhân biết mức độ bệnh tình. Sau đó, người bệnh phải chịu đau đớn và qua đời mà không hay biết mình chết vì bệnh gì. Thậm chí, cái chết đến quá đột ngột, họ hoàn toàn bị động, không kịp trăn trối. Bác sĩ Hà nhận định, giải pháp này chưa hẳn đã thực sự vì bệnh nhân và nó cũng dễ làm tổn thương những người liên quan.
Mỗi người đều có nhiều mối quan hệ xã hội, công việc dang dở. Nếu bệnh nhân không biết mình sắp chết, họ lỡ mất cơ hội duy nhất giải quyết chúng. Họ cũng sẽ hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng trong giây phút cận tử. Ngoài ra, người nhà có thể bị sang chấn tâm lý, ám ảnh vì mình đã che giấu sự thật.
Theo bác sĩ Hà, người bệnh có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ, song chuyên ngành y khoa chăm sóc giảm nhẹ còn rất mới mẻ. TP HCM chỉ có 5 bệnh viện triển khai hoạt động này, đội ngũ chăm sóc y tế thiếu hụt nghiêm trọng.
Khi Mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ và cận tử châu Á Thái Bình Dương (APHN) khởi động dự án gây quỹ, đào tạo nhân viên y tế về chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ Hà đăng ký tham gia.
Anh đặt mục tiêu chạy 250 km trong tháng 10, hy vọng kêu gọi quyên góp khoảng 2.500 đôla Singapore, tương đương 42 triệu đồng, cho quỹ. Do khá bận rộn, anh chia nhỏ các cung chạy, chủ yếu tập trung vào cuối tuần. Ngày 23/10, bác sĩ Hà sẽ tham gia giải chạy địa hình dài 70 km ở Pù Luông, Thanh Hóa để hoàn thành mục tiêu.
Hiện ở Việt Nam, bác sĩ Hà là người duy nhất tham dự thử thách chạy gây quỹ vì bệnh nhân cận tử. Anh hy vọng mình có bạn đồng hành, cùng lan tỏa rộng thông điệp chăm sóc cho người cận tử rộng rãi hơn nữa.
Thư Anh