Sau khi phẫu thuật, hóa trị và xạ trị khối ung thư di căn manh tràng, hồi tràng, xâm lấn niệu quản, chị Tiên được chuyển vào Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Sau vài ngày điều trị, người bệnh đã kiểm soát đau hiệu quả, các bác sĩ an ủi chia sẻ tâm tư nguyện vọng giúp tinh thần của chị lạc quan hơn.
Tuy nhiên không lâu sau, chị Tiên lại nhập viện do nhiễm trùng, ung thư buồng trứng di căn hai phổi, xâm lấn bàng quang, niệu quản trái, suy mòn, chấn thương phần mềm đầu.
"Tôi chỉ muốn chết. Tôi cảm thấy mình trở thành gánh nặng của gia đình, không giúp gì được cho chồng con, lại đau đớn vật vã", chị Tiên chia sẻ với bác sĩ.
Các y bác sĩ đã thường xuyên tâm sự, động viên chị Tiên, kết hợp với nhân viên Đơn vị tâm lý lâm sàng giúp bệnh nhân vượt qua những bất ổn tâm lý. Bác sĩ cũng thường xuyên nói chuyện với người nhà bệnh nhân, sắp xếp người chăm sóc các con để chị yên tâm chữa bệnh.
Sau những lần điều trị tâm lý, chị Tiên dần vui vẻ trở lại, tinh thần lạc quan hơn, thường xuyên đọc sách và tập thể dục. Hiện chị đã xuất viện và điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mô hình chăm sóc người bệnh nhân ung thư hiện nay là mô hình đa mô thức, phối hợp phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch kết hợp với phục hồi chức năng và điều trị giảm đau, còn gọi là chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm bớt đau đớn, đặc biệt ở những ngày cuối cuộc đời.
Tại nhiều bệnh viện điều trị ung thư ở Hà Nội và TP HCM, như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, người ung thư giai đoạn cuối cần chăm sóc giảm nhẹ có xu hướng tăng dần qua các năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 184.000 người bệnh ung thư và thân nhân cần chăm sóc giảm nhẹ.
Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chăm sóc giảm nhẹ dành cho người bệnh mắc các bệnh cấp tính lẫn mạn tính không chữa khỏi và kể cả gia đình họ. Các hoạt động giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải tỏa tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.
Trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ, các bác sĩ, nhân viên y tế giúp người bệnh hiểu rõ bệnh và tình trạng của mình để lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe trong tương lai một cách phù hợp. Tư vấn tâm lý được tiến hành trong thời gian nằm viện và sau khi người bệnh xuất viện. Bác sĩ theo dõi, đánh giá mức độ đau và kiểm soát đau kịp thời cho người bệnh. Bác sĩ cũng đánh giá và điều trị thích hợp các triệu chứng cần giảm nhẹ khác như khó thở, nôn ói, xuất huyết, vết thương ác tính, tổn thương tì đè, phù, báng bụng, thuyên tắc huyết khối cho người bị đau hoặc khó thở do ung thư hay bệnh lý mạn giai đoạn cuối.
Bác sĩ Quánh Thanh Khánh, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết những người cần chăm sóc giảm nhẹ như bệnh nhân ung thư đều mong muốn chết tại nhà. Khi ấy ngoài các loại thuốc giảm đau, người bệnh còn có thể cần thêm thuốc chống trầm cảm, điều trị đau không dùng thuốc như châm cứu, chườm nóng, massage, hỗ trợ vận động, đệm nằm giảm áp lực, ống cho ăn, ống thông đường tiểu... Các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau an toàn tại nhà.
Các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ còn có ý nghĩa tinh thần như tặng quà sinh nhật cho người bệnh, tặng tóc giả, hỗ trợ tâm linh, hỗ trợ lấy lại cân bằng tâm lý để đi những bước tiếp theo trong điều trị...
"Chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp bệnh nhân không phải sống những ngày cuối đời trong đau đớn và ra đi trong nỗi cô đơn", bác sĩ Khánh nói.
Trên thế giới, ngành y tế chăm sóc giảm nhẹ đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, năm 2006, Bộ Y tế xuất bản Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư và AIDS, bao gồm hướng dẫn kê toa thuốc giảm đau gây nghiện ngoại trú, tạo điều kiện cho người bệnh nan y giảm nỗi đau cho họ và cả gia đình.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi.