Ngày 13/9, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tiến độ khởi công xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn hai, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho hay ngoài số hộ bị ảnh hưởng, còn 6.600 hộ phải tái định cư do bị lấy gần hết đất. Tuy nhiên, mới có Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau có sẵn khu tái định cư cho dự án. Còn 9 địa phương cần xây dựng 166 khu tái định cư, với tổng diện tích 480 ha.
So với tính toán sơ bộ đầu năm thì số hộ dân bị ảnh hưởng tăng lên khoảng 25.000, song số hộ tái định cư đã giảm 5.000.
Theo ông Thái, các địa phương đã hoàn thành đo đạc thực địa với tổng diện tích thu hồi 6.300 ha. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm kê tài sản trên đất và lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số nơi kiểm đếm còn thấp như tỉnh Quảng Trị đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, tỉnh Bình Định đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, tỉnh Phú Yên đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh. 7 tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Các địa phương đã giải ngân được 400 tỷ đồng, trong đó Hà Tĩnh dẫn đầu với hơn 220 tỷ đồng; Bình Định 118 tỷ đồng; Cà Mau 54 tỷ đồng; Quảng Bình 15 tỷ đồng.
Ông Thái cũng lo ngại, thủ tục, công việc xây khu tái định cư thường kéo dài, nếu không đẩy nhanh tiến độ sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Đến nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 200 km, dự kiến đến tháng 11 sẽ phê duyệt và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu sẽ hoàn thành trước 20/11; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát hoàn thành trước 16/12; ký hợp đồng xây lắp hoàn thành trước 20/12; chuẩn bị khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 12.
Tại cuộc họp, các địa phương cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong tháng 11 để khởi công dự án vào cuối năm. Nhiều địa phương đề xuất hỗ trợ bồi thường tái định cư cho công trình quốc phòng; di dời công trình điện cao thế; chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; thẩm định mỏ vật liệu và bãi đổ thải. "Đây là công trình chỉ định thầu nên phải làm chặt chẽ. Làm chắc chắn nhưng phải nhanh", Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nói.
Bộ đã giao kế hoạch vốn 7.100 tỷ đồng cho các địa phương và tính toán đến việc điều chỉnh, bổ sung kịp thời. "Không để vì thiếu tiền mà không giải phóng mặt bằng được", ông Thọ nói.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu quyết tâm các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai phải hoàn thành năm 2025. Khối lượng công việc lớn trong khi chỉ còn 3 năm.
Nhắc lại bài học triển khai giai đoạn một mất 3 năm để chuẩn bị dự án, ông Thành yêu cầu toàn bộ giai đoạn hai, với chiều dài 720 km, phải hoàn thành đúng tiến độ. Các địa phương chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trong tháng này. Từ nay đến lúc khởi công, dự án nào chậm giải phóng mặt bằng sẽ xem xét trách nhiệm của ban quản lý.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán các gói thầu khởi công; đẩy nhanh tiến độ chọn nhà thầu, hoàn thành trong tháng 11.
Ngoài ra, Phó thủ tướng lưu ý chuẩn bị mỏ vật liệu cho dự án, "tránh mua đi bán lại qua các khâu trung gian khiến giá bị đội lên".
Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua 12 tỉnh thành, chia làm 12 dự án độc lập với tổng vốn 146.990 tỷ đồng.