Tên lửa JSM tấn công mục tiêu mặt đất.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay cho biết Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, Reuters đưa tin.
Lo ngại trước chương trình tên lửa của Triều Tiên, các nghị sĩ Nhật Bản đang gia tăng áp lực với quốc hội nước này để phát triển khả năng đánh phủ đầu nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo đòn phủ đầu vào Triều Tiên thành công, Nhật Bản phải áp dụng nhiều giải pháp hoàn toàn mới, theo National Interest.
Tokyo phát triển quân đội hoàn toàn theo hướng tự vệ, khiến họ không có vũ khí tiến công như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, oanh tạc cơ tầm xa và tàu sân bay. Tuy đã thiết lập lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo, Nhật Bản gần như không có khả năng tấn công, vô hiệu hóa các quả đạn Triều Tiên trước khi chúng rời bệ phóng.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Nhật Bản cần tăng cường khí tài tình báo, trinh sát và do thám (ISR) để phát hiện các vụ phóng tên lửa sắp diễn ra, cũng như giám sát các bệ phóng di động của Triều Tiên. Tokyo cần phát triển năng lực trinh sát vệ tinh mạnh hơn hiện nay, cũng như tăng số máy bay không người lái (UAV) hạng nặng nhiều hơn mức ba chiếc RQ-4 Global Hawk dự kiến đặt mua.
Triều Tiên chỉ có 804 km đường nhựa để các tổ hợp tên lửa đạn đạo di chuyển. Việc theo dõi chúng rất quan trọng, đặc biệt là sau khi tung đòn phủ đầu, bởi chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ tìm cách trả đũa.
Bước tiếp theo là mua sắm các vũ khí từng bị Nhật từ chối trong quá khứ, gồm tên lửa tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk và tên lửa tấn công đa nhiệm (JSM). Tomahawk có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân cố định của Triều Tiên, trong khi JSM nhắm vào các bệ phóng di động, đề phòng chúng thoát khỏi đòn đánh mở đầu.
Nhật Bản sẽ cần triển khai lượng lớn máy bay chiến đấu trong chiến dịch tổng lực. Tiêm kích hạng nặng F-15J có thể bảo vệ máy bay tàng hình F-35 và các phi cơ khác trước không quân Triều Tiên, ngay cả khi có sự can thiệp của Trung Quốc.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ cũng cần được triển khai ngoài khơi Triều Tiên để giải cứu phi công bị bắn hạ. Các hoạt động này đòi hỏi lượng lớn nhiên liệu, trong khi biên đội máy bay tiếp liệu KC-767J ít ỏi của Nhật không đủ khả năng đáp ứng. Bởi vậy, Tokyo sẽ cần mua thêm ít nhất 20 máy bay tiếp dầu để yểm trợ một chiến dịch phủ đầu quy mô lớn.
Xây dựng năng lực tấn công phủ đầu không phải vấn đề bất khả thi với Nhật Bản, nhưng nó rất khó khăn. Quá trình này buộc Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng vượt mức 1% GDP hiện nay, trong bối cảnh nợ công nước này đã cao gấp đôi GDP. Nhật Bản cũng phải thay đổi chính sách thiên về phòng thủ, phát triển những chiến lược mới để đáp ứng khả năng tiến công. Đây sẽ là lựa chọn không hề dễ dàng với Nhật Bản, chuyên gia Mizokami nhận định.
Duy Sơn