Theo bác sĩ Đỗ Nam Khánh, chuyên gia sức khỏe của Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, ngâm chân là biện pháp chăm sóc, phục hồi sức khỏe, đồng thời giúp điều trị một số chứng bệnh thông qua dùng nước nóng hoặc nước thuốc. Khi kết hợp ngâm chân với một số loại thảo dược, các vị thuốc này sẽ tác dụng tới cơ thể thông qua huyệt đạo và hệ thống kinh lạc, từ đó hồi phục sức khỏe mà không cần uống thuốc.
Theo bác sĩ Khánh, cách ngâm chân đơn giản nhất được thực hiện với gừng tươi, muối hạt, nước nóng. Mọi người rửa sạch một củ gừng, để vỏ rồi giã nhuyễn, thả vào chậu ngâm chân cùng 2-3 thìa muối và pha nước nóng, nước lạnh theo tỷ lệ thích hợp sao cho nhiệt độ nước 40-43 độ C và nước ngâm ngập đến mắt cá chân. Sau đó, mọi người rửa sạch hai bàn chân và cho vào ngâm, cách 5 phút thêm nước nóng vào chậu, đảm bảo nhiệt độ nước ngâm chân luôn đạt 40-43 độ C. Ngâm khoảng 20-30 phút, nên dừng không ngâm nữa khi thấy lấm tấm mồ hôi ở lưng, lấy khăn khô, sạch lau khô bàn chân, đặc biệt cả kẽ các ngón chân và đi dép vào để chống lạnh từ nền nhà.
Bác sĩ Khánh lưu ý ngâm chân là liệu pháp chăm sóc và phục hồi sức khỏe đơn giản, dễ thực hiện và rất hiệu quả. Biện pháp này đòi hỏi mọi người kiên trì, thực hiện thường xuyên để đem lại hiệu quả bền vững.
Bác sĩ cũng lưu ý, thời gian ngâm chân tối đa chỉ khoảng 30 phút. Người có thể trạng yếu, trẻ nhỏ, thời gian ngâm không được quá 30 phút trừ những trường hợp có ý kiến của thầy thuốc. Những người có bàn chân lạnh, phụ nữ trung, cao tuổi hoặc người giai đoạn ở cữ sau sinh không kiêng nước khiến chân lạnh, tê, nên sử dụng thêm các loại muối khoáng thảo dược để làm tăng hiệu quả điều trị nhờ ngâm chân.
Người bị tăng huyết áp, người bị giãn tĩnh mạch chân chỉ nên ngâm nước ấm không quá 39 độ C, không cho gừng và muối. Người bị tăng huyết áp phải theo dõi huyết áp hằng ngày, dừng ngâm chân khi huyết áp có xu hướng tăng và tư vấn với bác sĩ. Người bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến của bác sĩ kỹ lưỡng để có cách chăm sóc bàn chân phù hợp.
Nhiệt độ nước chỉ 40-43 độ C, không ngâm nóng quá nhiệt độ trên để tránh gây bỏng. Nên sử dụng nhiệt kế để đo chính xác nhiệt độ nước, không nên dựa vào cảm giác nóng lạnh của bàn chân để phán đoán. Chậu sử dụng để ngâm chân nên làm bằng gỗ hoặc nhựa tiêu chuẩn. Có thể sử dụng loại bồn ngâm chân chuyên dụng để tiện lợi và hiệu quả hơn. Nên lau khô mồ hôi sau khi ngâm chân xong, không nên tắm và nên tắm xong mới ngâm chân và không được đi chân trần xuống nền nhà sau khi ngâm.
Không nên ngâm chân trong vòng một giờ sau khi ăn do lúc này máu dồn nhiều về ruột non để vận chuyển chất dinh dưỡng. Nếu ngâm chân sau khi ăn, máu xuống chân nhiều gây ảnh hưởng quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Khi ngâm chân, mọi người cần lắng nghe và theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, chóng mặt, nên dừng ngâm ngay và hỏi ý kiến thầy thuốc.
Chi Lê