Theo tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong những ngày Tết, gan hoạt động quá tải bởi bạn đã ăn uống quá nhiều bia rượu, thực phẩm dầu mỡ. Vì thế sau Tết bạn cần giải độc cho gan. Việc quan trọng đầu tiên là không đưa thêm chất độc (rượu) vào cơ thể; uống nhiều nước để thải độc tố. Sau đó ăn uống khoa học, cân bằng các nhóm đạm, đường, chất béo, chất xơ cho gan được nghỉ ngơi. Hãy ăn uống với món nhẹ nhàng, dễ tiêu như bát cháo thịt, súp…
Bên cạnh đó, không nên uống thuốc bổ gan càng làm cho gan phải chuyển hóa, làm việc nhiều hơn. Nếu có biểu hiện ngộ độc nặng, phải đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết, các cơ sở y tế cả nước tiếp nhận 810 bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 5 trường hợp ngộ độc rượu, một người tử vong. Theo tiến sĩ Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, đây chỉ là những bệnh nhân nặng cần can thiệp y tế. Rất nhiều người uống rượu bia đến mức nôn mửa, tự điều trị tại nhà.
“Người dân cần thay đổi thói quen uống, chúc tụng rượu bia trong Tết. Không chỉ uống rượu đến khi phải nhập viện mới nguy hiểm, mà còn gây độc cho gan”, tiến sĩ Hùng lý giải.
Sau vài năm uống nhiều rượu bia, bạn sẽ bị xơ gan, viêm tụy. Từ xơ gan dẫn đến ung thư, bạn phải điều trị lâu dài, tốn kém, trong khi đó lại không lao động được và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
“Sau khi uống rượu bia, nếu xét nghiệm vào hôm sau bạn sẽ thấy men gan tăng khủng khiếp do rượu đã phá hủy tế bào gan và tế bào gan bị phá hủy không thể phục hồi”, tiến sĩ Hùng cho biết.
Gan thải chất độc trong cơ thể như thế nào