Theo Bali Pulendran, nhà miễn dịch học tại Đại học Stanford (Mỹ), đáp ứng vaccine ở từng cá nhân có thể khác nhau. Ví dụ người cao tuổi phản ứng kém hiệu quả hơn người trẻ, hoặc mũi tiêm ngừa sởi thay đổi phản ứng kháng thể như thế nào phụ thuộc vào bộ gene... Phản ứng về miễn dịch sau khi tiêm chủng còn phụ thuộc vào giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng.
Trong đó, thiếu ngủ hoặc không ngủ sẽ làm suy yếu phản ứng miễn dịch của cơ thể. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu năm 2023, chỉ ra ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm ngăn cơ thể đáp ứng miễn dịch với các loại vaccine. Một thí nghiệm khác đăng tải trên tạp chí y khoa Jama năm 2022, nghiên cứu về tác động của thiếu ngủ với đáp ứng miễn dịch, cũng cho thấy những người ngủ 4 tiếng một đêm đáp ứng kháng thể với mũi tiêm ngừa cúm chỉ bằng một nửa so với người ngủ đủ giấc.
Chế độ dinh dưỡng tác động trực tiếp tới hệ vi sinh đường ruột, cũng đóng vai trò quan trọng trong tương tác của cơ thể với các mũi tiêm. Những người có lượng vi khuẩn đường ruột dồi dào, có khả năng duy trì hiệu quả vaccine lâu hơn sau khi tiêm đủ hai liều Covid-19. Người có đường ruột khỏe mạnh cũng phản ứng tốt hơn với mũi tiêm ngừa tả, uốn ván.
Khoa học cũng chứng minh thuốc kháng sinh làm giảm hệ vi sinh đường ruột, gây rối loạn phản ứng miễn dịch với việc tiêm chủng. Người dùng thuốc kháng sinh trong 5 ngày, sẽ bị giảm số lượng vi khuẩn trong ruột xuống 10.000 lần, khiến phản ứng kháng thể với vaccine cúm thấp hơn so với những người khác.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có xu hướng thúc đẩy đáp ứng với tiêm chủng, như tâm trạng, các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Báo cáo cho thấy trong những sinh viên năm nhất tiêm ngừa cúm, người có thể kể rành rọt 13 bạn bè và người thân, sản sinh kháng thể sau tiêm tốt hơn người ít kết nối. Hiệu quả trên cũng được ghi nhận khi khảo sát trên vaccine phế cầu và Covid.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng mọi người có thể cải thiện phản ứng miễn dịch, tận dụng mũi tiêm ngừa tốt hơn. Janice Kiecolt-Glaser, Đại học Y khoa Đại học bang Ohio (Mỹ), khuyên mọi người ngủ đủ trước và sau tiêm vaccine, đặc biệt là vào đêm trước ngày tiêm.
Còn Bali Pulendran khuyến cáo cải thiện sức khỏe đường ruột bằng các thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đồ chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường. Chuyên trang sức khỏe Health gợi ý uống đủ nước, ăn các thực phẩm tươi và chứa nhiều chất chống viêm, không uống rượu, cân bằng dinh dưỡng bằng cách sử dụng thêm trái cây, rau quả, protein nạc... Mọi người nên ăn uống đầy đủ trước và sau khi tiêm, để thúc đẩy đáp ứng với vaccine và bắt đầu thói quen lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, người dân được khuyên tăng thể dục thể thao, giảm sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, tăng tập thể dục. Ví dụ một buổi tập thể dục ngắn trước và ngay sau khi tiêm chủng, làm tăng hiệu quả của mũi tiêm ngừa cúm ở người già. Tập luyện cũng giúp giảm các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, sưng tại vết tiêm...
Để tăng hiệu quả của chửn ngừa, mọi người có thể thực hiện thêm một số mẹo khác như tiêm vào buổi sáng, thận trọng khi sử dụng các thuốc không kê đơn ví dụ ibuprofen, acetaminophen và aspirin.
Nhật Linh (Theo Washington Post, ABC)