"Đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật NFT chỉ dành cho những người chấp nhận rủi ro", nghệ sĩ Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, nói với New York Times. "Giá trị của chúng có thể về 0".
Beeple cũng nhiều lần cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro và sự bấp bênh khi đổ tiền vào NFT, dù ông đã bán được một số sản phẩm dạng này. Tác phẩm đình đám nhất của ông có tên Everdays: The First 5000 days - một file ảnh .jpeg - đã được mua lại với giá gần 70 triệu USD sau khi có NFT.
"Tôi nghĩ NFT đang trong trạng thái bong bóng kinh tế", Beeple nói với Business Insider.
Beeple cho rằng thị trường NFT đang khá giống với giai đoạn đầu của sự bùng nổ Internet, khi mọi thứ đã bị thổi phồng một cách quá đà. "Sẽ có lúc chúng ta nhận ra rằng mình đang có một chút điên rồ và gán những giá trị điên rồ đó cho những thứ vô thưởng vô phạt", Beeple nói trên podcast.
Tuy nhiên, Beeple cũng đánh giá rằng NFT sẽ không biến mất trong tương lai. Thay vào đó, nó sẽ là cách thức mới để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống. "Bong bóng Internet từng phình to và nổ tung, nhưng nó không xóa sổ Internet. Nó chỉ quét sạch những thứ không đáng tồn tại. NFT có thể cũng vậy", Beeple dự đoán.
NFT (Non-fungible token) là chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất. Điều này giúp mọi thứ từ thẻ cầu thủ bóng rổ, vật phẩm game, tranh, nhạc cho tới tweet đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT trên các trang đấu giá online.
Chỉ trong vài tháng qua, sự quan tâm đến NFT đang tăng vọt. Theo thống kê của CryptoSlam, lượng giao dịch các sản phẩm liên quan đến NFT đã đạt hơn 1 tỷ USD chỉ trong 30 ngày qua.
Như Phúc (theo Business Insider)