Xu Lingling là gia sư tiếng Anh cho tập đoàn giáo dục New Oriental ở phía đông thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, dạy học sinh trung học vào các buổi tối và cuối tuần.
Đó là một công việc mệt mỏi nhưng cô gái 25 tuổi yêu thích. Công việc này mang lại cho Xu thu nhập tốt và ổn định. New Oriental, được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, có người sáng lập nổi tiếng và được định giá tỷ đô, đang là công ty hàng đầu trong một ngành công nghiệp bùng nổ ở Trung Quốc. Xu tính sẽ gắn bó với nơi này nhiều năm.
Nhưng hồi tháng 7, mọi thứ dần sụp đổ.
Chính phủ Trung Quốc siết chặt học thêm và dạy thêm, vì cho rằng ngành công nghiệp này đã thúc đẩy cuộc chạy đua giáo dục không lành mạnh. Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều là bất hợp pháp.
Luật mới nhanh chóng đẩy cơ sở New Oriental nơi Xu làm việc vào vòng xoáy tử thần. Giờ dạy của Xu giảm từ 11 buổi mỗi tuần xuống còn 3 buổi. Gần một nửa trong 60 giáo viên tiếng Anh rời công ty.
Hôm 29/9, cuối cùng, thời điểm Xu luôn sợ hãi đã đến. Quản lý gọi cô vào và thông báo ngắn gọn rằng cô bị sa thải. Xu thất nghiệp trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn. "Những ngày này, mỗi lần nhìn thấy biểu tượng New Oriental, tôi lại thấy buồn. Công ty đã không thể hiện sự tôn trọng tối thiểu dành cho tôi, chưa nói đến quan tâm", Xu chia sẻ.
Xu nằm trong số hàng triệu người bị đảo lộn cuộc sống bởi động thái của chính phủ nhằm định hình lại hệ thống giáo dục quốc gia, chiến dịch được gọi là chính sách "giảm kép".
Chính sách này đưa ra những cải cách sâu rộng nhằm đạt hai mục tiêu: cắt giảm bài tập về nhà và số giờ học thêm. Chính phủ lập luận rằng điều đó là cần thiết để cứu học sinh khỏi tình trạng kiệt sức, giảm bất bình đẳng và ngăn cha mẹ chi những khoản tiền lớn cho các lớp học kèm. Các cuộc khảo sát thấy chính sách này nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Nhưng chiến dịch cũng đang gây ra gián đoạn lớn. Trước khi bị cấm, lĩnh vực gia sư của Trung Quốc trị giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ và sử dụng khoảng 10 triệu người. Giờ ngành công nghiệp ấy đang sụp đổ.
Thu nhập sụt giảm mạnh, các công ty giáo dục bắt đầu cắt giảm sâu số nhân viên. Truyền thông Trung Quốc ước tính hàng trăm nghìn người trong ngành này đã mất việc vào đầu tháng 8.
Giống Xu, nhiều người trong số nhân viên bị sa thải là sinh viên mới tốt nghiệp, nhóm vốn đã phải đối mặt với tình hình việc làm khắc nghiệt ở Trung Quốc. Riêng trong tháng 10, một số công ty tên tuổi, bao gồm Zhangmen và OneSmart, đã dừng hoạt động gần như trong đêm, trước sự ngỡ ngàng của khách hàng và nhân viên.
Việc đóng cửa gây ra sự giận dữ cho phụ huynh. Nhiều người đã đóng cho các công ty số tiền tương đương hàng nghìn đôla để đặt trước các lớp học cho con.
Hàng nghìn người xuất hiện bên ngoài các cơ sở của OneSmart khắp Trung Quốc hồi đầu tháng 10 để đòi lại tiền. Hàng nghìn người khác tham gia các nhóm chat trên nền tảng xã hội WeChat và QQ để phối hợp hành động, vận động đòi bồi thường.
Danfeng, phụ huynh ở thành phố Thượng Hải, là một trong số đó. Ban đầu, cô lôi con ra khỏi các lớp học thêm sau khi nghe tới chính sách "giảm kép". Nhưng nhân viên của OneSmart liên tục hứa rằng các lớp học một kèm một của con trai Danfeng sẽ không bị ảnh hưởng. Thế nên, hồi tháng 9, Danfeng đã nộp cho công ty gần 60.000 nhân dân tệ để đặt trước khoảng 100 lớp học tiếng Trung. Con trai của Danfeng mới tham dự được ba trong số này thì công ty đóng cửa.
"Tôi biết việc lấy lại tiền của mình gần như vô vọng, nhưng tôi ước các nhà chức trách sẽ trừng phạt công ty", cô nói. "Công ty đã cố tình lừa chúng tôi".
Meng Weiying, một nạn nhân khác ở Thượng Hải, trả gần 200.000 nhân dân tệ cho một công ty gia sư tương tự hồi tháng 8. Công ty cũng thuyết phục cô nộp tiền và hứa hẹn rằng luật cấm dạy thêm không áp dụng cho các lớp kèm một một. Nhưng vài tuần sau, công ty ngừng hoạt động.
Trong một tài liệu được chia sẻ trên mạng, hàng trăm phụ huynh đã trình bày chi tiết về khoản học phí trả trước mà họ đã mất. Số tiền dao động hàng chục nghìn nhân dân tệ đến hơn một triệu.
Danfeng nhấn mạnh, hầu hết nạn nhân là những gia đình bình thường, không phải người giàu có. "Chúng tôi không giàu. Chúng tôi chỉ là những bậc cha mẹ sẵn sàng dành những gì mình có cho việc học của con", cô cho hay.
Nhân viên công ty gia sư cũng nói rằng họ bị đối xử bất công. Tại New Oriental, Xu Lingling kể các quản lý đã giục cô nhanh chóng ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng sau khi bị sa thải. Cô làm theo và sau đó nhận ra được trả ít hơn một phần ba mức lương mà nhân viên thường nhận được ở Trung Quốc.
Xu cho hay công ty đã sử dụng nhiều chiêu khác nhau để loại bỏ nhân viên với giá rẻ. Một số gia sư thôi việc sau khi lương của họ bị cắt giảm mạnh. Các quản lý cũng đặt ra nhiều quy tắc nghiêm ngặt hơn, cho phép họ sa thải nhân viên vì những vi phạm nhỏ. Xu tham gia nhóm các đồng nghiệp cũ để gây áp lực buộc công ty phải đối xử công bằng hơn với nhân viên, nhưng nỗ lực này đến nay vẫn vô ích.
"Công ty đã đóng các kênh, không tiếp tục trò chuyện nữa", Xu cho hay.
Chính phủ ra lệnh cho tất cả công ty dạy kèm phải rời khỏi lĩnh vực này hoặc chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận trước cuối năm nay. Xiao Mei, chủ sở hữu của hai trường đào tạo ngoại khóa ở tỉnh Quảng Đông, nằm trong số nhiều chủ doanh nghiệp đang cố gắng điều hướng quá trình này.
Xiao cố gắng duy trì hoạt động của công ty mà không cắt giảm lương nhiều. Tuy nhiên, kể từ 1/1, công ty sẽ không thể tự đặt các khoản phí mà phải tuân theo "giá hướng dẫn" cho các dịch vụ dạy kèm do chính phủ đặt ra. "Giá hướng dẫn" vẫn chưa được công bố.
"Nếu giá hướng dẫn thấp, doanh nghiệp chúng tôi sẽ khó tồn tại nếu tiếp tục trả lương như ban đầu cho giáo viên", Xiao nói, đề nghị được giấu tên thật.
Chính sách "giảm kép" nhằm ngăn chặn các gia đình đăng ký cho con đi học thêm nhưng cuộc khảo sát của Sixth Tone đối với các bậc cha mẹ ở Thượng Hải và Bắc Kinh vào tháng 8 cho thấy hơn 90% muốn con tiếp tục được dạy kèm sau giờ học.
Nhiều phụ huynh quyết tâm duy trì việc học thêm của con đã chuyển sang thị trường chợ đen tìm gia sư.
Danfeng, người mẹ mất gần 60.000 nhân dân tệ khi OneSmart sụp đổ, đã đăng ký cho con trai học tại một trung tâm như vậy. Xu từ chối tiết lộ tên của trung tâm này vì sợ nó sẽ bị đóng cửa.
"Chúng tôi phải bảo vệ nó, vì thật khó để tìm thấy những lớp học bây giờ", Xu nói.
Các cơ quan chức năng đang đầu tư nguồn lực đáng kể để xóa bỏ tình trạng dạy thêm bất hợp pháp. Nếu một số trẻ tiếp tục đi học thêm, các gia đình khác có thể lo lắng con cái của họ bị tụt lại và cũng muốn cho chúng đăng ký học bất hợp pháp.
Thành phố Bắc Kinh tuyên bố đã đóng cửa hơn 90% các trung tâm dạy thêm bất hợp pháp mà chính quyền biết được. Trong khi đó, thành phố Hàng Châu đang treo thưởng 50.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về các hoạt động dạy thêm không phép.
Nhưng nhiều trung tâm đã trốn tránh được sự kiểm soát này. Ding Qi, một bà mẹ ở Thượng Hải, bắt đầu sử dụng nền tảng học tiếng Anh không có giấy phép sau khi công ty dạy kèm nơi con gái cô từng theo học - Best Learning - đóng cửa vào tháng 8.
Ding không muốn công bố tên của nền tảng bởi nếu làm vậy "nguồn lực cuối cùng mà tôi tin tưởng để giúp tiếng Anh của con gái tôi có thể gặp rủi ro".
Một số phụ huynh thậm chí giữ bí mật hơn. Một bà mẹ khác ở Thượng Hải, họ Zhang, cùng vài bạn thân cho con đi học gia sư và nhóm thống nhất không cho ai khác biết về lớp học.
Theo Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, sẽ không thể xóa bỏ việc dạy thêm bất hợp pháp chỉ thông qua các biện pháp thực thi pháp luật.
"Thật quá ngây thơ khi tưởng tượng rằng việc 'giảm kép' có thể được hiện thực hóa bằng cách đơn giản là đóng cửa các trung tâm dạy thêm. Mặc dù có cơ chế báo cáo và khen thưởng ở một số thành phố, nhưng mọi người sẽ nghĩ ra các cách để lách việc này", Chu nhận xét.
Chu cho rằng chìa khóa để thực hiện chính sách là cải cách hệ thống giáo dục của Trung Quốc để giảm nhu cầu cơ bản về học thêm. Nhưng Zhang, người mẹ gửi con cho một gia sư không được cấp phép, nói rằng nhu cầu học thêm sẽ vẫn còn một khi tuyển sinh còn cạnh tranh.
Giờ đây, Xu Lingling hy vọng có thể đổi nghề nghiệp. Cô đang chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển công chức của Trung Quốc. Những trải nghiệm trong năm nay đã dạy cô giá trị của sự ổn định trong công việc.
Bình Minh (Theo Sixthtone)