Trong thập kỷ qua, Wang Wenjing đã vươn lên trong ngành công nghiệp dạy kèm tư nhân của Trung Quốc, thăng tiến từ việc dạy tiếng Anh sang điều hành hoạt động tại một trong những trường luyện thi trực tuyến lớn nhất nước này.
Nhưng kể từ cuối tháng 7, khi chính phủ ban hành quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận, Wang trông thấy ngành kinh doanh bùng nổ một thời đang rơi tự do.
Theo quy định mới, các cơ sở luyện thi từ lớp một đến lớp chín bị cấm thu lợi bằng cách dạy các môn trong chương trình học. Giảng dạy vào cuối tuần và trong các ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ học bị cấm. Các công ty dạy thêm cũng không được phép huy động vốn hoặc nhận đầu tư nước ngoài.
Động thái mới của chính quyền Bắc Kinh nhằm đạt hai mục tiêu: cắt giảm bài tập về nhà và số giờ học thêm. Chính phủ lập luận rằng điều đó là cần thiết để cứu học sinh khỏi tình trạng kiệt sức, giảm bất bình đẳng và ngăn cha mẹ chi những khoản tiền lớn cho các lớp học kèm. Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều là bất hợp pháp.
Những biện pháp trên được xem đã bóp chết một ngành từng được ước tính trị giá hơn 100 tỷ USD, mang lại việc làm cho khoảng 10 triệu lao động.
Bà Wang, giám đốc của Homework Help ở Bắc Kinh, cho rằng nhiều công ty gia sư sẽ phá sản. "Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi mất việc vào tháng 7 hoặc tháng 8 và vẫn chưa tìm được việc làm khác", bà nói.
Homework Help đã phải đóng cửa 9 trong số 14 chi nhánh tại các thành phố trên khắp đất nước và sa thải khoảng một nửa lao động, tương đương 20.000 người.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi dạy thêm vì lợi nhuận là một "căn bệnh cứng đầu" khiến chi phí giáo dục tăng cao, tạo gánh nặng cho các gia đình và khiến các cặp vợ chồng ngại sinh thêm con. Theo ông, "một ngành đòi hỏi sự tận tâm không thể bị biến thành ngành tìm kiếm lợi nhuận".
Trong khi Trung Quốc cấm dạy thêm thì ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp này lại nở rộ. Người ta chỉ cần đến Daechi-dong là có thể quan sát tầm quan trọng của giáo dục trong xã hội Hàn Quốc. Quận ở đông nam Seoul này có hàng trăm trường tư, nơi học sinh có thể học Toán, tiếng Anh và hầu hết các môn khác. Trong lúc con học, các bố mẹ ngồi đợi trong xe, đôi lúc đến tận 22h, khi các trường phải đóng cửa.
Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh lĩnh vực dạy thêm vì lợi nhuận, với những thành công khác nhau. Số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy gần 3/4 học sinh tới các lớp học tư trong năm 2019. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu trung bình cho giáo dục tư thục trên mỗi trẻ em ở Hàn Quốc cao hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác.
Các trường dạy thêm ở Hàn Quốc được gọi là "hagwon". Hagwon đầu tiên được thành lập năm 1885 bởi một nhà truyền giáo người Mỹ. Một thế kỷ sau, cựu tổng thống Chun Doo-hwan đã tuyên chiến với lĩnh vực dạy thêm. Một trong những động thái chính thức đầu tiên của ông vào năm 1980 là cấm tất cả tiết học ngoại khóa.
Mục đích của ông cũng tương tự của chính phủ Trung Quốc ngày nay, là việc tiếp cận giáo dục phải công bằng hơn và ít gánh nặng tài chính hơn cho phụ huynh. Tỷ lệ sinh thấp một phần là do các bậc cha mẹ tương lai lo lắng về cách giáo dục con cái của họ.
Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, cho đến khi sinh viên đại học được phép làm gia sư và sau đó chính phủ cấp giấy phép cho một số học viện giáo dục. Nhưng việc giáo viên tổ chức dạy thêm vẫn là phạm luật nên thường xuyên xảy ra các cuộc truy quét vào những năm 1990. Họ phạt nặng bất kỳ giáo viên nào bị bắt quả tang. Một số thậm chí đã phải ngồi tù.
Cuối cùng, chiến lược của chính phủ cũng thất bại toàn diện vì tầng lớp giàu có hơn của Hàn Quốc liên tục tìm cách lách luật. Tính đến 2020, Hàn Quốc có hơn 73.000 cơ sở dạy thêm và khoảng một nửa trong số đó là ở thủ đô, nơi các chiến dịch quảng cáo của trung tâm dạy thêm là một phần nổi bật của cảnh quan đô thị. Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều hagwon phải đóng cửa, nhưng chỉ là tạm thời.
Giống Hàn Quốc, học thêm ở Nhật Bản khá phổ biến và không bị cấm. Takahiro Goto, giám đốc và giáo viên tại trường luyện thi GS Shingaku Kyoshitsu ở thành phố Hachioji, thuộc Tokyo, cho biết các trung tâm luyện thi (hay Juku) là nơi học sinh học hành chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi vào trường hoặc đại học mong muốn. Các trường Juku được coi là phần bổ sung cho trường học phổ thông. Sau giờ học ở trường, học sinh sẽ đến Juku ba đến bốn lần một tuần, vào buổi tối và các chủ nhật, ngày lễ.
Vì trung bình một ngày học tại trường kéo dài 6-8 giờ nên các em phải tích cực học thêm vào thời gian rảnh. Hình ảnh phổ biến vào 21h tại Nhật Bản là đường sá đầy những đứa trẻ vội vã trở về nhà sau giờ học thêm.
Theo ông Goto, ở Nhật có hai dạng trường Juku. "Shingaku juku" giống như trung tâm của ông Goto, chuyên luyện thi các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc đại học tốt. Loại thứ hai được gọi là "Hoshuu juku" hay trường bổ túc, dành cho những em gặp khó khăn trong việc theo kịp các lớp học bình thường.
Giáo dục bắt buộc ở Nhật Bản bao gồm bậc tiểu học và trung học, kéo dài trong 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9). Trẻ em bắt đầu đi học tiểu học lúc 6 tuổi và trong 6 năm, sau đó tiếp tục học trung học cơ sở ba năm. Sau khi vào cấp một, học sinh Nhật Bản sẽ tham gia những khóa học bổ túc, học tăng cường nhằm chuẩn bị kiến thức tốt nhất để vào trường cấp hai chất lượng, sau đó là trường cấp ba danh giá.
Áp lực học tập thường bắt đầu xuất hiện ở học sinh cuối cấp trung học cơ sở muốn đạt kết quả tốt trong kỳ thi vượt cấp và học sinh trung học phổ thông với nhu cầu thi đỗ trường đại học quốc lập. Vì kỳ thi trung học và vào đại học rất khó, nên phần lớn học sinh phải chuẩn bị bằng cách đến các trung tâm luyện thi.
Theo ông Goto, ngay cả khi học tốt ở trường và ở nhà, học sinh cũng khó vượt qua các kỳ thi tuyển sinh. Chương trình do Bộ Giáo dục quyết định chỉ quy định mức độ tối thiểu mà học sinh phải đạt được. "Đó là lý các trường luyện thi lại trở nên cần thiết", ông Goto giải thích.
Với giáo viên trong trường, phần việc dạy học của họ ngày càng ít đi. Họ không thể chuẩn bị cho học sinh trong các kỳ thi đầu vào do bận rộn với các nhiệm vụ khác ngoài giảng dạy. Họ cũng không có thời gian để trả lời câu hỏi hoặc chăm sóc học sinh ngoài giờ học, nhưng giáo viên luyện thi có thể làm điều đó.
Học thêm là một ngành công nghiệp khổng lồ ở nhiều nước châu Á và đã trở thành một phần mật thiết của hệ thống giáo dục các nước khu vực này. Theo nghiên cứu của hãng khảo sát thị trường Global Industry Analysts, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc là những quốc gia và vùng lãnh thổ có tình trạng dạy thêm phổ biến nhất ở châu Á. Phụ huynh ở những nơi này chi hàng triệu USD mỗi năm để đưa con cái vào những cuộc chạy đua học vấn. Global Industry Analysts cho biết ngành dạy thêm trên thế giới đạt doanh thu 196.3 tỷ USD vào 2020, trong đó phần lớn đến từ châu Á.
Hãng khảo sát này cũng lý giải, nhu cầu dạy học thêm ở các nước châu Á luôn ở mức cao do tính cạnh tranh khốc liệt vào các trường đại học, trung học danh giá ở những nước này. Truyền thống coi trọng thành tích và chế độ tuyển dụng đề cao bằng cấp cũng là những yếu tố góp phần khiến việc học thêm dạy thêm trở nên thiết yếu trong xã hội và rất khó cấm đoán.
Bình Minh (Theo DW, The Christian Science Monitor, Kokoro Media)