(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Xuất phát từ Nhật Bản, lối sống tối giản ra đời như một cách ứng phó với môi trường tự nhiên lắm thiên tai, cuộc sống nhiều áp lực và cả cuộc khủng hoảng dư thừa của thời đại. Tối giản - hiểu theo cách "tối giản" nhất là sự loại bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi không gian sinh hoạt lẫn trong tâm trí, đem đến cho con người cảm giác bình yên, thoải mái và tự do.
Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là sự tự điều chỉnh "mức độ giản" cho "tối phù hợp" với hoàn cảnh mỗi người chứ không nhất thiết phải gồng mình lên trong cuộc đua "vứt - bỏ". Và thời điểm này, phải chăng chính là giai đoạn thích hợp để tiếp tục phát huy hay thử bắt đầu với lối sống đặc biệt ấy.
Tối giản mùa "nồm"
Tháng ba, "mùa con ong đi lấy mật", không phải lúc nào cũng đẹp xinh như cách miêu tả thường thấy trong thơ, ca, nhạc, họa. Đằng sau bức tranh cuối xuân "đẹp mỡ màng" với "cỏ non xanh tận chân trời" và "mộc miên thắm đỏ triền sông", còn là khoảng trời u ám cực kỳ khó chịu với những ướt át mưa phùn và ẩm nồm bức bí những ngày ông trời "làm mình làm mẩy". Nồm – chỉ nghĩ đến nó thôi đã khiến nhiều người phát ốm. Nào lấm lem nhà cửa, nào nấm mốc đồ dùng, nào áo quần ẩm ướt, cơ thể rệu rã, đồ ăn thiu thối, dịch bệnh lan tràn... Không khó để kể một danh sách những phiền hà, khó chịu do thời tiết những ngày nồm ẩm đem lại. Trừ những chung cư cao tầng mà độ ẩm không khí được hạn chế phần nào thì hầu hết các gia đình miền Bắc nước ta vẫn phải "cơ cực" đi qua mùa nồm mà tổng thời gian có lẽ phải kéo dài cả tháng.
Để kháng cự với những "giọt đong" ngày nồm có nhiều giải pháp: từ lâu dài đến tình thế, từ truyền thống đến hiện đại. "Mẹo vặt chống nồm" không thể triệt để, song rất cần thiết, nhất là vào những ngày cao điểm mà ngôi nhà thật sự trở thành bãi chiến trường ngổn ngang chăn màn, quần áo. Giản lược đồ dùng, mạnh dạn vứt đi những thứ "bỏ đi thì tiếc, uống vào thì say" là một trong những gợi ý hay cho ngày nồm bớt phần khó chịu.
Tại sao vậy? Bởi bước vào ngôi nhà những ngày này, điều khiến cả khách, cả chủ "rùng mình sợ hãi" phải chăng chính là đống đồ ăn dở dang, chồng quần áo ướt - khô, sạch - bẩn lẫn lộn, mà động đến đâu, ruồi muỗi sẽ bay lên ào ào chỗ ấy. Đồ dùng chất đống một phần bởi trời nồm càng phơi càng ướt, phần nữa bởi khi thiếu đồ khô, người ta lại nảy sinh nhu cầu mua sắm cái mới. Càng nhiều đồ, càng phải giặt, càng phơi nhiều, càng khó khô. Đó là cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ.
Vượt qua được tâm lý "tiếc của", ham trữ nhiều đồ để loại bỏ những thứ thừa thãi, lôi thôi là cách hiệu quả giúp cửa nhà thông thoáng, sức khỏe và tinh thần con người cũng dễ chịu hơn. Giải pháp ấy đôi khi còn hiệu quả hơn cả chiếc tủ sấy hay máy hút ẩm tiền triệu. Phong cách tối giản cho những ngày nồm không chỉ thể hiện qua việc "thanh lọc" không gian mà còn ở cả sự đơn giản hóa nếp nghĩ. Nếu thường ngày, bạn là một cô nàng sành điệu chính hiệu với những quy tắc cầu kỳ về nghệ thuật phối đồ thì vào thời điểm này, hãy dễ tính hơn trong trang phục, phụ kiện, để hạn chế tối đa việc thải ra đồ bẩn.
Đồ cotton luôn là chất liệu số một về sự an toàn, mềm mại song đó cũng là một trong những chất liệu lâu khô nhất. Vì vậy, sẽ không phải ý kiến tồi nếu ta "cởi trói" định kiến để lựa chọn những trang phục pha chút nilong bởi nó nhất định sẽ là thứ đồ mau khô nhất trên dây quần áo mùa mưa kéo dài bất tận. Bản thân tôi, ngày mới sinh em bé đầu lòng đã cẩn thận (đúng hơn là lạc hậu) đến mức không dám dùng máy giặt để giặt đồ cho con, thậm chí không vắt tay (vì sợ con vặn mình) nên mùa mưa năm ấy đã trôi qua thật khủng khiếp. Thiết nghĩ, sự tối giản trong tư duy chính là chìa khóa để cuộc sống trôi qua dễ dàng hơn, không phải chỉ trong những ngày ướt át.
>> Sống kỷ luật để ở nhà chống dịch không bí bách
Tối giản mùa dịch
Thế giới đang đi qua những ngày lịch sử bởi sự tàn phá khốc liệt của Covid-19. Có lẽ, chưa bao giờ nhân loại phải chứng kiến sự "đóng băng" cuộc sống với hơn một nửa dân số ở nhà chống dịch và hàng triệu người giành giật cuộc sống trong phòng áp lực âm, khu cách ly hay bệnh viện dã chiến. Căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể, các chính phủ đã ban hành sắc lệnh phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sự tính mạng, sức khỏe người dân. Thích nghi với hoàn cảnh thực tại, lựa chọn lối sống thích hợp trong tình thế "giãn cách xã hội", "mỗi gia đình là một pháo đài" có lẽ là điều cần thiết mà mỗi cá nhân nên làm, như một cách thể hiện trách nhiệm đối với xã hội.
Tối giản là cần thiết, bởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc người nghi nghiễm, nên duy trì sinh hoạt trong phòng cách ly sạch sẽ, đơn giản, ít đồ đạc để đảm bảo không khí thông thoáng và hạn chế sự xâm nhiễm virus lên các vật dụng xung quanh.
Tối giản rất cần thiết để mỗi người dân dễ dàng thích ứng với yêu cầu "cách ly xã hội", hạn chế ra ngoài cho mục đích mua sắm. Truyền thông xã hội đã tốn nhiều giấy bút để kêu gọi người dân bình tĩnh, sáng suốt, không tích trữ quá nhiều đồ dùng gây lãng phí và mất ổn định thị trường. Ở nhiều quốc gia đã ghi nhận hiện tượng siêu thị trống trơn, trong khi bãi rác lại chất đống thực phẩm hết hạn sử dụng do tâm lý đám đông và sự "lo xa" quá mức cần thiết. Tâm thế tối giản sẽ giúp mỗi người bình tĩnh ở nhà, an vui bên những bữa ăn giản dị chỉ có ở "mùa Covid".
Nhìn từ phương diện kinh tế, lối sống tối giản giúp tiết kiệm chi phí cho những danh mục đầu tư không thiết yếu như quần áo, phụ kiện, đồ chơi, đồ trang trí... Điều này hoàn toàn có lợi trong bối cảnh thực tại, khi mà thu nhập của các gia đình ít nhiều đều giảm sút bởi người lao động phải "chôn chân trong nhà". Và còn một lý do rất chính đáng nữa: lối sống tối giản có thể đem đến nguồn hứng khởi mạnh mẽ, nhất là với những người mới bắt đầu thử nghiệm. Đọc sách về nghệ thuật sống tối giản, tự tạo ra thử thách thay đổi bản thân – điều rất hot trên mạng xã hội hiện nay, như: ba ngày không tiêu tiền, mỗi ngày giản lược 20 món đồ không cần thiết, làm mới không gian... đều có thể đem đến niềm vui cho chuỗi ngày ở nhà chống dịch.
Vì thế, tại sao bạn không tham dự vào trào lưu "Ở nhà vẫn vui" bằng ngày đầu tiên sắp xếp lại nhà cửa và suy nghĩ, như một người tối giản?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Thị Suối Linh