Khu đất này vốn do UBND xã Tân Định (huyện Bến Cát) cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp từ sau năm 1975. Đến tháng 11/1994, UBND huyện mới có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận quy hoạch. Nhưng từ tháng 5 năm đó, mọi thủ tục sang nhượng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã diễn ra êm thấm với sự giúp đỡ của cán bộ các cấp chính quyền.
Để tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Hoàng Gia do bố vợ ông Huỳnh Phi Dũng làm giám đốc, Chủ tịch xã Tân Định Châu Văn Diễn đã hạ bút phê khá dễ dàng: "Chủ sử dụng hợp pháp, nhà nước cấp từ năm 1975, trực canh đến nay, thuận cho chuyển nhượng". Đây là bước mở đầu thuận lợi của một quá trình "biến hóa" đất nông nghiệp thành KCN.
Không đầy 320 triệu đồng thuế cho hơn 44 ha đất công nghiệp?
Chỉ trong ngày 19/5/1994, ông Diễn đã ký hàng loạt giấy chuyển nhượng từ đất canh tác của nông dân sang đất của gia đình ông Dũng. Vào ngày 28/5, Phó chủ tịch huyện Nguyễn Công Thanh ký 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 8 thành viên trong gia đình ông Dũng, gồm vợ chồng ông, bố đẻ, bố vợ, và các cô em gái. Sau đó, bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ký quyết định cho phép các thành viên trong gia đình ông Dũng chuyển mục đích sử dụng khu đất nói trên thành: Đất xây dựng cơ sở công nghiệp với thời gian sử dụng lâu dài.
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Dương, cả hai lần chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên, số tiền mà các thành viên gia đình ông Dũng phải nộp và đã nộp vào ngân sách chỉ khoảng trên 318 triệu đồng.
Đất sản xuất gia đình thành KCN
Trong lúc trả lời các cơ quan chức năng, ông Huỳnh Phi Dũng luôn phủ nhận điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có gần 10 đơn vị kinh tế nước ngoài thuê đất tại đây. Cụ thể, Công ty Daewoo thuê 16.900 m2, đã trả tiền cho Công ty Hoàng Gia 300.000 USD gọi là "chi phí giải tỏa, đền bù, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng". Công ty Futec thuê 5.428 m2, trả tiền đền bù quyền sử dụng đất cho ông Huỳnh Hùng (bố ông Dũng) là 65.136 USD và mua lại nhà xưởng của Công ty Hoàng Gia 214.350,40 USD... Tổng số tiền mà các công ty nước ngoài trả cho việc thuê đất (dưới danh nghĩa tiền đền bù) lên tới hơn 1 triệu USD. Và như vây, nhà nước đã thất thu hàng trăm tỷ đồng từ tiền thuê đất ở khu Tân Định.
Vào đầu năm 2001, vụ việc đã bị phanh phui khi Phó chủ tịch tỉnh Trần Văn Lợi ra quyết định chấp thuận dự án đầu tư khu sản xuất tại Tân Định. Tiếp đến, vào ngày 7/5, bà Trần Thị Kim Vân, Phó chủ tịch tỉnh, lại ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty Hoàng Gia Cát Tường (tên mới của Công ty Cổ phần Hoàng Gia) thuê đất tại khu Tân Định. Như vậy, việc làm của UBND tỉnh Bình Dương đã thừa nhận sự tồn tại của KCN Tân Định do gia đình ông Huỳnh Phi Dũng quản lý.
(Theo Tiền Phong)