Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ là doanh nghiệp nhà nước được tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) thành lập từ năm 1991, do ông Huỳnh Phi Dũng làm giám đốc. Tháng 8/1994, UBND tỉnh đã giao khu đất trên 160 ha tại căn cứ Sóng Thần cho Công ty Thanh Lễ để lập phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp.
Thế nhưng tháng 7/1994, Công ty Thanh Lễ đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Phi Long "cùng liên kết vốn kinh doanh đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Sóng Thần" (mặc dù trong hồ sơ trình Chính phủ sau này không hề nêu hình thức hợp đồng liên doanh kiểu này). Trong hợp đồng thỏa thuận, Công ty Phi Long chỉ góp vốn chia lợi nhuận, không trực tiếp quyết định các vấn đề của liên doanh. Lợi nhuận chia theo tỷ lệ 50/50.
Tháng 9/1994, ông Huỳnh Phi Dũng lập tờ trình UBND tỉnh cho triển khai phương án sử dụng đất, trong đó đề nghị chấp thuận thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho các cá nhân, doanh nghiệp và đã được Chủ tịch tỉnh Hồ Minh Phương chấp thuận. Có bửu bối trong tay, ông Dũng đã ký 57 hợp đồng chuyển nhượng mặt bằng sản xuất công nghiệp mà thực chất là chuyển quyền sử dụng đất cho 13 đơn vị cá nhân (chủ yếu thuộc nhóm các Công ty Minh Phụng - Epco), thu về trên 130 tỷ đồng.
Điều quan trọng là phi vụ trên, Công ty Phi Long đã được chia lời 30 tỷ đồng.
Tháng 9/1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt phương án đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Sóng Thần và ký quyết định cho Công ty Thanh Lễ thuê đất để đầu tư xây dựng. Công ty Thanh Lễ tiếp tục ký các hợp đồng thuê lại đất với giá 23 USD/m2, trả tiền thuê một lần. Tổng cộng doanh thu chuyển nhượng mặt bằng và cho thuê đất từ năm 1995 đến 2000 của công ty Thanh Lễ đã lên tới trên 370 tỷ đồng, sau khi nộp thuế doanh thu, Công ty Phi Long được chia trên 177 tỷ đồng.
Phi Long là ai?
Thực chất, đây là công ty gia đình của ông Huỳnh Phi Dũng và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Thanh Lễ. Giám đốc Công ty Phi Long không ai xa lạ mà chính là vợ của ông Dũng là bà Trần Thị Tuyết. Trong danh sách cổ đông còn có bà Đào Thị Thanh Nguyên, nguyên là kế toán trưởng Công ty Thanh Lễ (nay là Tổng giám đốc Công ty Thanh Lễ), Phó tổng giám đốc Thanh Lễ ông Nguyễn Hữu Phước, và cha ruột, cha vợ ông Dũng.
Trên sổ sách kế toán của Thanh Lễ đã chứng minh rằng, chỉ tính đến cuối năm 1995, Thanh Lễ đã chuyển cho Phi Long số tiền lên tới 84 tỷ đồng tiền chia doanh thu chuyển nhượng mặt bằng đất.
Tháng 4/2000, Công ty Phi Long sau khi hoàn tất nhiệm vụ gom một khoản tài sản kếch xù của nhà nước, liền biến thành Công ty TNHH Phi Long, các cổ đông khác được trả lại vốn góp, trừ cổ đông thuộc công ty gia đình ông Dũng. Cũng ngay trong tháng này, Công ty TNHH Phi Long hợp nhất với một công ty khác của gia đình ông Dũng là Công ty Hoàng Gia thành Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường với số vốn đăng ký lên tới 90 tỷ đồng.
Những kẻ bảo kê cho Phi Long và Thanh Lễ
Tháng 3/1993, trong kết luận về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất quốc phòng, Thủ tướng chính phủ đã nêu rõ: "Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định thì Bộ Quốc phòng và UBND địa phương nhất thiết không được tự ý cấp đất cho một tổ chức hay cá nhân nào sử dụng". Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương vẫn hạ bút ký giao đất cho Thanh Lễ và chấp thuận cho công ty này được quyền chuyển nhượng mặt bằng.
Đáng kinh ngạc hơn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mức thu tiền thuê đất ở khu Sóng Thần là 65 tỷ đồng nhưng Sở địa chính, Chi cục thuế tỉnh Bình Dương chỉ thu có... 21 tỷ. Tháng 11/1995, khi ký hợp đồng thuê đất với Công ty Thanh Lễ, Sở Địa chính xác định tiền thuê đất 210 đồng/m2/năm và tháng 11/1996, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đơn giá chính thức là 355 đồng/m2/năm. Nhưng tháng 3/1997, Cục Thuế lại miễn giảm 30% tiền thuế đất. Tính chung ngân sách nhà nước thất thu trong vụ này là 44,2 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều phi vụ khác liên quan đến công ty gia đình Huỳnh Phi Dũng.
(Theo Tuổi Trẻ)