Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là một tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như Hà Nội ngày trở về, Em ơi Hà Nội phố, Chiều phủ Tây Hồ...
Thậm chí có bài hát không chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy phong vị Hà thành chỉ tìm thấy ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có lẽ, là bởi ông quá yêu Hà Nội như chính ông đã có lần từng nói: "Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã thấy lá Hà Nội xanh hơn mọi nơi".
Ông viết về Hà Nội cũng là viết cho chính mình, viết trả nợ mảnh đất quê hương nơi ông lớn lên, nơi âm nhạc của mẹ cha đã đổ sâu trong con tim, nơi ông hoài thai ước mơ tuổi trẻ, nơi ông ra đi đau đáu nhớ thương và trở về. Nhạc sĩ Phú Quang cũng được coi là nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất Việt Nam. Các ca khúc của ông phần lớn phổ thơ hoặc dựa trên một hình ảnh thơ mà ông vô tình bắt gặp.
Nhưng dù là sử dụng một bài thơ hay chỉ vài câu chữ, những tác giả thơ luôn được ông vô cùng trân trọng và đã trở thành những người bạn gần gũi, thân thiết với ông như nhà thơ Phan Vũ, Thái Thăng Long, Thụy Kha...
Nếu như chỉ nói nhạc sĩ Phú Quang chỉ thành công ở mặt tình ca thì thật thiếu sót. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, hòa tấu dàn nhạc giao hưởng như Hồi ức và khát vọng, Chuyện kể về tình yêu, Tình yêu của biển... Một số tác phẩm hòa tấu của ông được dùng để làm nhạc nền, nhạc hiệu của Đài Tiếng Nói Việt Nam trong rất nhiều năm và cho đến ngày nay.
Âm nhạc của ông góp phần vào sự thành công của nhiều phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam như Bao giờ cho đến tháng 10, Vị đắng tình yêu... Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều vở nhạc kịch, kịch múa, kịch hát. Nhạc sĩ Phú Quang cũng là người tiên phong đưa tác phẩm của mình đến với khán giả bằng con đường ngắn nhất. Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, ông đã tổ chức những liveshow đầu tiên của mình tại Nhà hát Lớn TP HCM rồi tiếp đến là Hà Nội... Những đêm nhạc Phú Quang đã quen thuộc đến mức hàng năm, khi Hà Nội chớm mùa đông hay vào xuân là khán giả lại trông ngóng lại chờ đợi đêm nhạc Phú Quang.
Trong những đêm nhạc ấy, ông là người khó tính đến mức phải tự chọn ca sĩ mà ông cho là phù hợp với ca khúc của mình, chọn dàn nhạc chất lượng cao. Ông tự đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc, tự lên sân khấu đệm đàn cho ca sĩ và giao lưu với khán giả. Thậm chí, đôi khi ông còn đi đến góc khuất của khán đài để tự mình cảm nhận chân thực nhất âm nhạc đã mang đến cảm xúc gì cho công chúng.
Đối với gia đình, ông là người giàu tình cảm và sẻ chia. Sau nhiều đổ vỡ, ông đã dừng lại ở cuộc hôn nhân thứ ba và một căn nhà xinh xắn, ấm cúng bên bờ sông Hồng. Các con của ông đều trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Đắm đuối với công việc, ông không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhưng các con của ông luôn yêu thương, chăm chút, ân cần.
Như trong một ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối cùng". Ngày hôm nay, tim người nhạc sĩ ấy đã không còn đập nữa, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi để lại trong lòng đồng nghiệp, khán thính giả yêu âm nhạc của ông...
* Cho em và cũng là cho anh của Phú Quang, qua tiếng hát nghệ sĩ Quang Lý