Trong sự nghiệp sáng tác hơn 600 ca khúc của Phú Quang, mảng tình khúc chiếm số lượng lớn. Những bóng hồng trong âm nhạc Phú Quang có khi hiển hiện trong lời ca lẫn giai điệu, trở thành những hình dung sống động. Cũng đôi lần, họ chỉ là dòng ký ức mơ hồ được ông chắt chiu, gìn giữ qua nhiều thập niên.
Điều không thể nói - một trong những sáng tác đầu tay - ra đời lúc ông mới đôi mươi, lần đầu cảm nhận những rung động ban sơ khi yêu. Phú Quang từng cho biết thời sinh viên nghèo, mỗi ngày, ông và các bạn chỉ được hai phần bánh bột mì luộc. Một hôm, ông nhận được phần bánh thêm, do một thiếu nữ âm thầm dành tặng. Tình đầu cứ thế ươm mầm nhưng trong độ tuổi tập trung cho sự nghiệp, ông không dám tiến xa. Nhạc sĩ dồn nén ưu tư trong từng câu hát:
"Một lời yêu thương dịu dàng
Là điều anh không thể nói cùng em
Mây chiều bâng khuâng dừng chân lưng đồi ngơ ngác
Trên đường quê xa anh đón em về, một miền trời riêng ta...".
Khi Phú Quang rời Hà Nội, chuyển vào TP HCM sinh sống giữa thập niên 1980, một bóng hồng khác cũng thành nguồn cảm hứng thơ ca cho ông. Ngày đó, ông có mối tình đẹp với hoa khôi một trường phổ thông. Cô gái hoàn hảo từ ngoại hình đến tâm hồn, được nhiều chàng trai si mê, theo đuổi nhưng Phú Quang là người cô lựa chọn. Ban đầu, chuyện tình cả hai bị người thân cô gái ngăn cấm vì khác biệt vùng miền. Dần dà, gia đình cô chấp nhận vì cảm mến sự tử tế, hiền lành nơi ông. Sau này, gia đình cô sang Mỹ định cư, có ý định đón ông đi cùng nhưng nhạc sĩ cho biết không thể rời xa Việt Nam. Họ chia tay trong tiếc nuối.
Sau khi cô đi, trong tâm trạng lẻ loi, ông trút tâm tư vào chùm ca khúc 13 chuyện bình thường, trong đó nổi tiếng nhất là ca khúc số 3 - Đâu phải bởi mùa thu (phổ thơ Giáng Vân). "Thời điểm ấy, tôi nhận được bức thư của cô ấy, nói rất ân hận vì đã rời xa tôi, cảm thấy có lỗi. Tôi cũng đã viết lại một bức thư đại ý nói rằng, giữa câu chuyện của chúng tôi, không ai có lỗi cả, khuyên cô đừng day dứt mà làm gì. Cũng như lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu. Đó chỉ là chuyện của số phận", ông từng nói.
13 năm sau khi chia tay, cô lên xe hoa. Ông viết Chuyện bình thường cuối cùng, khép lại chùm ca khúc, cũng là cách khép lại mối tình hoa mộng một thời. Lời ca trong nỗi day dứt đã có đôi phần bình thản: "Có những khi về qua phố/ Phố quá đông không thấy mặt người/ Chợt gặp mình cười như đá ngây ngô/ Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương...".
Với ca khúc Mùa thu giấu em (phổ thơ Doãn Thanh Tùng), ông dành tặng bà Trịnh Anh Thư - người vợ sau này, kém ông 20 tuổi. Cả hai đến với nhau khi ông đã ở dốc bên kia của cuộc đời nhưng nhạc phẩm vẫn tràn ngập tình ý: "Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Phía cuối con đường anh kịp nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm...". Sinh thời, Phú Quang từng nói vui vợ chịu được tính ẩm ương của nhạc sĩ. Bà làm trong ngành ngân hàng, hâm mộ các tác phẩm của ông. Hai người dần cảm mến nhau bởi chung đam mê âm nhạc, hội họa cùng thích lối sống giản dị. Tổ ấm của họ ở Tây Hồ (Hà Nội) là không gian chan hòa với thiên nhiên, có giếng trời tràn ngập nắng, bể cá, vườn cây và nhiều bức tranh, tượng thuộc nhiều trường phái.
Những bóng hồng trong tình khúc Phú Quang đôi khi chỉ là hình ảnh thoáng qua ông bắt gặp trong đời sống thường nhật. Điều giản dị ra đời trong một khoảnh khắc như thế. Lúc ấy, ông được nhờ viết bài hát cho một bộ phim. Đang băn khoăn cách viết, ông được xem thước hình nghệ sĩ Lê Khanh đi qua rừng bạch đàn ở Vĩnh Phúc - những giọt nắng xuyên qua tán bạch đàn nhảy nhót trên người chị. Ông nghĩ ra câu: "Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo". Nhìn khuôn mặt thánh thiện của Lê Khanh khi ngước lên bầu trời, ông viết tiếp: "Đôi môi em gọi bao khát khao, mắt em vời vợi, đăm đắm trời cao". "Nhưng giữa tôi và Khanh không tồn tại cái gọi là tình yêu. Tôi có hàng trăm bài hát, mỗi bài mà gắn với một cô thì tôi còn gầy hơn Đỗ Trung Quân", ông từng đùa khi được hỏi về cảm hứng sáng tác.
Trong nhiều giọng ca nữ từng hát nhạc Phú Quang, Khánh Ly được ông dành tặng ca khúc Sẽ một mình thôi (phổ thơ Hồng Thanh Quang). Nhạc phẩm ra đời năm 2017, khi ấy ông viết để thỏa nỗi cô đơn trong tâm tư, chưa nghĩ đến việc giao cho ca sĩ nào. Tình cờ, nghe lại giọng hát Khánh Ly văng vẳng trong băng Sơn Ca 7, ông nhận ra hơn ai hết, bà là người phù hợp nhất với tình khúc này: "Một mình sẽ một mình thôi/ Tìm câu ca cũ hát chơi một mình/ Một mình sẽ một mình thôi/ Khi buồn sẽ hát những lời xót xa...".
Từ Mỹ, Khánh Ly nói với VnExpress bà nhận tin Phú Quang qua đời trong một ngày rất lạnh. Danh ca nhớ đến khoảnh khắc bà từng chảy nước mắt khi thấy ông một mình ngồi bên cây dương cầm, giữa một vùng sáng đầy khói, dáng gầy mỏng manh, đầu cúi thấp, mắt nhắm và tay lướt trên những phím đàn.
"Đó là người đã thổi hồn vào những lời thơ đẹp và buồn, hòa với hồn Hà Nội khiến trong lòng tôi, Hà Nội bỗng như thơ hơn, đẹp hơn, ấm áp hơn, đáng yêu hơn. Cái dáng quen thuộc ấy làm tôi nhói đau nghĩ đến người xưa đã ra đi. Tôi thơ thẩn một mình, lại chợt nghĩ ngợi lung tung. Tại sao những người đáng yêu như thế, những người đã cho cuộc đời này biết bao an ủi ấm áp, những người đã dâng hiến trái tim đẹp nhân ái, lại phải ra đi...", bà nói.
Mai Nhật