Lễ viếng bắt đầu lúc 11h30 phút nhưng trước đó một tiếng, nhiều bạn bè, người thân của ông có mặt tại Nhà tang lễ bộ Quốc phòng. Vợ ông - bà Lan Anh - khóc khi nhìn mặt chồng lần cuối. Bà là người vợ thứ hai, kém nhạc sĩ 20 tuổi. Sống với nhau ngót nghét 30 năm, bà nắm rõ từng sở thích của ông nhưng cũng thường mâu thuẫn vì tính cách khác biệt. Ông trầm lắng, sâu sắc, chắc chắn còn vợ hồn nhiên, ngẫu hứng. Sinh thời, nhạc sĩ cho biết cả hai bù đắp để dung hòa.
Họ có chung một con trai - anh Đức Hoàng, theo học thạc sĩ âm nhạc dòng cổ điển ở Mỹ. Khi còn sống, ông đặt nhiều kỳ vọng ở anh. Trong lễ tang, Đức Hoàng liên tục an ủi mẹ.
Chị Khánh Chi - con gái thứ hai của ông - nhớ trước khi mất, ông hay xem chương trình ẩm thực về các món ăn đường phố. Ông nói: "Bố không ăn được, nhìn mọi người ăn, vui lắm". Chị an ủi ông: "Bố cố gắng nhé. Vài tháng nữa, mình sẽ đi ăn những món ngon nhất Hà Nội. Rồi bố lên sân khấu cảm ơn bác sĩ, bạn bè và các nghệ sĩ nhé". Ánh mắt ông sáng lên, nói "Ừ" đầy hào hứng. Khánh Chi làm báo, từng lo liệu cùng tổ chức liveshow cho bố khi ông lâm bệnh.
>>> Đồng nghiệp viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương
Nhớ thương người bạn của "Bộ tứ sông Hồng", nhạc sĩ Dương Thụ, Nguyễn Cường không nói lên lời. Nguyễn Cường viết trong sổ tang: "Tớ, Thụ và Trần Tiến đến với Phương đây. Nhớ mãi, nhớ mãi, thương lắm Phương ơi". Nhạc sĩ Trần Tiến - thành viên còn lại của nhóm - vắng mặt vì ốm. Bốn người chơi thân, Trần Tiến từng tâm sự họ cùng là "thế hệ bản lề" - sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ mang trong mình bốn cá tính khác biệt, kết nối với nhau bởi tình yêu âm nhạc và những trải nghiệm gian khổ một thời.
Bên linh cữu nhạc sĩ, Tùng Dương khóc khi nhìn mặt ông lần cuối. Anh nhớ hai năm trước thực hiện liveshow Bộ tứ sông Hồng, khi kết thúc, nhạc sĩ Phó Đức Phương lên ôm, hôn vào trán anh và nói: "Chú rất trân trọng cháu". Tùng Dương thấy may mắn vì được hát nhiều ca khúc của ông, đặc biệt là Mênh mang một khúc sông Hồng - một trong những nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sĩ. Tác phẩm đồ sộ như trường ca, thể hiện nỗi lòng đau đáu với quê hương của ông.
"Tận hiến" là từ nhiều đồng nghiệp dùng khi nhớ về Phó Đức Phương. Lần Tùng Dương, Thanh Lam gặp ông sau khi liveshow Khúc hát phiêu ly kết thúc, ông rất mệt nhưng cố giấu, vui vẻ nói cười. Ông ngồi phân tích hơn 20 tiết mục của các nghệ sĩ hôm đó, nhận xét phần nào hay, dở. Ông còn khẳng định sẽ ra viện, tiếp tục sáng tác các bài hát cảm hứng sử thi.
Bởi hết lòng vì công việc, trong mắt nhiều ca sĩ, ông nghiêm túc, khắt khe. Tùng Dương nhớ ông chuẩn chỉ từng giờ từng phút, không hài lòng mỗi khi ai đó đến muộn giờ tập. Là dân chuyên Toán, ông tôn trọng tính khoa học, logic trong âm nhạc. Ông thường nói với nghệ sĩ: "Cậu hát hay hơn tớ nhưng tớ giỏi toán hơn cậu. Tớ nghe chính xác chỗ hay chỗ dở". Ca sĩ Thanh Lam cũng nhớ cố nhạc sĩ rất kiệm lời khen và không thích ai hát sai nhạc của ông dù chỉ một nốt. Từng thành công với ca khúc Không thể và có thể, chị tin "người đã ra đi có thể trở lại" trong những thanh âm ông để lại cuộc đời.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - nhớ thời gian đồng hành ông làm bản quyền. Năm 2000, nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đi xin chữ ký nhiều tác giả tên tuổi để thành lập VCPMC. 18 năm gắn bó trung tâm, ông luôn tận tụy, quyết liệt, là người đặt nền móng cho công tác bản quyền ở Việt Nam.
Đỗ Hồng Quân gọi ông là "nhạc sĩ của nhân dân". Trong điếu văn, anh tổng kết chặng đường hoạt động nghệ thuật và tôn vinh thành tựu sáng tác của cố nhạc sĩ: "Các tác phẩm của ông toát lên tinh thần nhân văn, lẽ sống cao cả, khơi gợi tình yêu quê hương, xứ sở, được khán giả trong, ngoài nước yêu mến". Anh Đức Hoàng - con trai nhạc sĩ - nối lời: "Bố đã luôn lạc quan chiến đấu với căn bệnh nan y. Những giọt nước mắt chúng ta khóc hôm nay không phải vì nỗi buồn mà là niềm tự hào về sự nghiệp vẻ vang của ông".
13h50 phút, xe chở thi hài ông về an táng ở Công viên Thiên Đức, Phú Thọ. Các con chọn nơi có nhiều cây xanh để ông có thể giao hòa với thiên nhiên khi trở về đất mẹ.
>>> Phó Đức Phương - 'người tráng sĩ sông Hồng'
Phát hiện bệnh từ tháng 3, bác sĩ chẩn đoán ông đã ở giai đoạn bốn nhưng nhạc sĩ luôn lạc quan chữa trị. Hồi tháng 7, khi bạn bè, người thân tổ chức liveshow các tác phẩm của ông, nhạc sĩ còn trực tiếp thị phạm ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương từ trên giường bệnh. Trước lúc ra đi, ông không để lại tâm nguyện gì vì luôn tin mình sẽ chữa khỏi.
>>> Những nhạc phẩm trữ tình quê hương của Phó Đức Phương
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hà Nội, quê gốc Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt, mang đậm triết lý nhân sinh. Âm nhạc của ông vừa giàu bản sắc dân gian, vừa chứa đựng chất hàn lâm cổ điển. Ông vận dụng nhuần nhuyễn các làn điệu như ca trù, xẩm, chèo, tuồng... Thiên nhiên trong âm nhạc của ông hòa quyện chặt chẽ với con người thành một thể thống nhất, sống động và có hồn. Tinh thần Phật giáo, tâm linh cũng được ông gửi gắm qua các tác phẩm như Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể...
Sáng tác của ông gắn với tên tuổi Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, tạo nên dấu ấn trong sự nghiệp ca hát của họ. Ông cùng Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ được gọi là "bộ tứ sông Hồng", có nhiều tác phẩm giá trị đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
>>> Dòng sông chảy mãi trong âm nhạc Phó Đức Phương
Hà Thu