Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ngày 19/9, sau hơn nửa năm mắc ung thư tuỵ. Người thân, bạn bè bàng hoàng bởi trước khi mất một tuần, ông vui vẻ vì các chỉ số xét nghiệm khả quan, tin mình sẽ hồi phục. Mỗi khi có người tới thăm, ông kể chuyện phát hiện bệnh nan y một cách dửng dưng, tựa như đang nói về ai khác.
Ông bị trướng bụng từ đầu năm nay. Đến tháng ba đi khám tổng quát ở Bệnh viện Việt Xô, thấy các bác sĩ nhìn nhau ái ngại, ông giục: "Có gì mấy cậu cứ nói thẳng đi". Nghe họ thông báo ông bị ung thư tuỵ, di căn đầu giai đoạn bốn, nhạc sĩ chợt nhớ về một người bạn qua đời vì ung thư mấy năm trước. Thế nhưng ông không sợ hãi, hoang mang, chỉ thoáng nghĩ: "Thời gian tới phải làm phiền vợ con nhiều rồi".
"Mình về nhà, thông báo với vợ, nói cô ấy 'Chuẩn bị tinh thần chiến đấu nhé, cuộc chiến này chắc sẽ dài đây'. Mình chỉ coi đây là một thử thách trong đời thôi, chỉ không ngờ nó kéo dài lâu đến thế", nhạc sĩ tâm sự hồi cuối tháng 6. Có lúc, ông tếu táo: "Hay tại mình chưa đủ trải đời, nên không ý thức được sự nguy hiểm nhỉ".
Sau vài tháng điều trị, ông gầy sọp, sụt gần 20 kg, bụng trướng to. Mỗi ngày, ông uống nhiều thuốc, tiêm, truyền theo liệu trình, làm đủ xét nghiệm nhưng không bao giờ kêu ca. Ông giữ tinh thần thoải mái, minh mẫn. Một buổi sáng, y tá đưa nhầm ông viên thuốc vào buổi chiều, ông phát hiện ra, nhẹ giọng trách: "Cậu còn không nhớ bằng tớ đấy".
Nhạc sĩ hay kể câu chuyện về tổ tiên - nhà cách mạng Phó Đức Chính. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông Chính bị xử tử cùng 12 đồng đội. Ông yêu cầu hành quyết mình cuối cùng, nằm ngửa để xem lưỡi dao rơi xuống như thế nào. Nhạc sĩ cười, nói dòng họ nhà mình có máu lì chảy trong người nên bệnh tật, đau đớn chẳng thấm vào đâu.
Ca sĩ Mỹ Linh ám ảnh với ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn của ông. Chị kể: "'Tôi chưa gặp người bệnh nào có nguồn năng lượng tích cực đến vậy. Chú nói: 'Cô Lam, cô Linh à, mình không đau, có lẽ ngưỡng đau của mình cao hơn mọi người'". Gặp ca sĩ Tùng Dương, ông cao hứng hát thị phạm một đoạn bài Mênh mang một khúc sông Hồng. Chứng kiến hành trình chữa bệnh của ông, ca sĩ Tùng Dương gọi nhạc sĩ là "người tráng sĩ sông Hồng" bởi sự dũng cảm, lạc quan.
Gia tài hàng trăm sáng tác của ông mang đậm phong vị dân gian, thấm đẫm hồn quê, xứ sở. Phó Đức Phương nói khi viết nhạc, ông không thăng hoa, lúc nào cũng khổ sở bởi mất ăn mất ngủ để thai nghén ý tưởng, lúc nào cũng lo, sợ không tìm được ý đẹp, chưa chạm được đến cảm xúc tinh tế nhất. Âm nhạc của ông vừa giàu bản sắc dân gian, vừa chứa đựng chất hàn lâm cổ điển. Ông vận dụng nhuần nhuyễn các làn điệu như ca trù, xẩm, chèo, tuồng... Thiên nhiên trong âm nhạc của ông hoà quyện chặt chẽ với con người thành một thể thống nhất, sống động và có hồn. Tinh thần Phật giáo, tâm linh cũng được ông gửi gắm qua các tác phẩm như Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể...
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nhận định: "Mỗi tác phẩm của ông là một câu chuyện kể bằng âm nhạc. Cốt truyện thường bắt nguồn từ những điển tích, điển cố. Tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc. Nhiều bài, ông sử dụng cung quãng trúc trắc, đòi hỏi người thể hiện không chỉ ở giọng hát mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự thấu hiểu trong ngôn từ, âm nhạc, mới có thể lột tả được thần thái của tác phẩm... Thế nhưng sau cùng vẫn cứ cho người nghe cảm xúc vô cùng đẹp đẽ".
Trước khi mất, nhạc sĩ đau đáu nhiều dự định với âm nhạc. 18 năm gắn bó Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ bỏ ngỏ việc sáng tác. Ông mới viết nhạc lại khi về hưu năm 2018. Từ đó đến nay, ông cho ra đời các bài Nu na nu nống, Chi chi chành chành, Hoa Lư Đại trận tập (về Đinh Bộ Lĩnh), Lời thề sông Hóa (về Trần Hưng Đạo)...
Tháng 9 năm ngoái, ông giới thiệu bài Mênh mang một khúc sông Hồng, lấy cảm hứng từ dòng sông gắn với nguyên quán ông ở Văn Giang, Hưng Yên. Khác với Lội dòng sông quê hay Chảy đi sông ơi, tác phẩm mới không gói gọn tình cảm trong một dòng sông mà chỉ mượn nó làm cái cớ để nhắc nhở về lịch sử hào hùng của người dân đồng bằng Bắc bộ. Ca khúc đưa người nghe trải qua nhiều cung bậc, từ dạt dào, tình cảm đến hùng tráng. Nhiều nhạc sĩ như Trịnh Lê Văn, Xuân Thủy, Đức Trịnh nhận xét phong độ của ông không hề sụt giảm sau 15 năm gác bút. Trái lại, sức sáng tạo của ông vẫn dồi dào, càng viết càng hay.
Ông đặt tên liveshow hồi tháng 7 là Khúc hát phiêu ly - một trong những tác phẩm ông ưng ý nhất. Từ giường bệnh, nhạc sĩ xúc động xem livestream đêm nhạc, ví von mình với chàng Trương Chi, làm việc gì cũng dang dở.
Ông nói với người bạn vong niên - nhạc sĩ Trần Lệ Chiến: "Tớ chưa thể 'đi đâu được' vì tớ phải hoàn thành sứ mệnh theo 'lệnh của bề trên'. Đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc mà theo tớ là vô cùng quan trọng - viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ. Tớ, với vai trò là một nhạc sĩ phải đền ơn, đáp nghĩa bằng những tác phẩm âm nhạc như tớ đã từng viết về như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và sắp tới sẽ là Quang Trung, Lý Thường Kiệt... Tất cả đang dần hình thành, tớ sẽ hóa thân vào từng nhân vật chứ không đứng ngoài ngợi ca họ".
Sinh thời, Phó Đức Phương tin vào số mệnh. Những năm gần đây, ông hướng người nghe đến sự bình yên trong tâm tưởng, giống như cách ông viết trong bài Tửu ca: "Thôi trút đi gánh nặng đường xa. Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta". Ông giải thích "nhà" mang nghĩa rộng hơn nơi chúng ta ở, đó là một khoảng ở hư vô - nơi trú ngụ của tâm hồn.
Có lẽ, ông đã tìm thấy "ngôi nhà" của mình ở một thế giới khác. Những người ở lại khẽ ngâm nga câu thơ của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến trong ngày Hà Nội rả rích mưa: "Thôi Ông đi, mùa thu đi. Để câu hát mãi phiêu ly cõi này".
Hà Thu