Gia đình và đông đảo bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương ở lễ tang trưa 24/9. Ông qua đời trưa 19/9 vì ung thư, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người yêu nhạc. Hơn 50 năm tận hiến cho nền âm nhạc Việt, ông để lại nhiều tác phẩm tầm vóc, đậm tinh thần dân tộc. Trong kho tàng hàng trăm sáng tác của ông, hình ảnh con sông lặp đi lặp lại, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nói các sáng tác của nhạc sĩ phản ánh tính dân tộc. Văn hóa Việt gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu đề cao sự giao hòa giữa thiên nhiên, con người. Đặc biệt, Việt Nam gắn với nền nông nghiệp lúa nước, vì thế từ xa xưa, dòng sông gắn bó mật thiết với sự phát triển của cộng đồng. Ngay từ thời kỳ đầu sáng tác, nhạc sĩ đã đưa hình ảnh dòng sông vào tác phẩm của mình, điển hình như bài Hồ núi Cốc. Bài hát khắc họa thiên nhiên hùng vĩ để làm nổi bật tầm vóc của con người.
"Bồng bềnh bồng bềnh
Chòng chành chòng chành
Thuyền gặp khách say gió ngàn
Thuyền trôi thuyền trôi
Mái chèo khua gương
Nước xanh thăm thẳm
Ơ ờ ớ... ơ núi cao
Ơ ờ ớ... ơ suối sâu
Vẫn lung linh màu xanh huyền thoại"
Dòng sông trong âm nhạc của nhạc sĩ mang triết lý nhân sinh, phản ánh tư tưởng triết học nhưng được diễn tả bằng hình ảnh dung dị, gần gũi. "Từ người lao động bình dân cho đến các học giả, ai cũng có thể hiểu tác phẩm của nhạc sĩ theo những tầng nghĩa khác nhau", nhà phê bình Nguyễn Quang Long nói.
Sông Hồng - con sông gắn chặt với văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ - trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Bài hát ông viết năm 2018 - Mênh mang một khúc sông Hồng - có giai điệu kiêu hùng, dấy lên tinh thần tự hào dân tộc.
"Ta nghe sóng xô dạt dào, đôi bờ như đôi bàn tay ôm ấp dịu dàng
Con sông vẫn như ngày nào, nhọc nhằn hay khổ đau mãi mãi ngọt ngào"
Nhạc sĩ nói ông không chỉ viết cho con sông vô tri vô giác mà viết cho những người mẹ Việt Nam tần tảo, âm thầm, cần mẫn như dòng sông. Chảy đi sông ơi - sáng tác từ năm 1997 - cũng bắt nguồn từ cảm hứng anh hùng ca, là ca khúc tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông:
"Ơi con sông hiền hoà. Chở đầy nước ngọt phù sa
Ơi con sông thiết tha, ấp ôm bến bờ xứ sở
Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi khôn nguôi
Chuyện bao đời sông biết cả, mà sao sông trẻ mãi không già"
Với nhạc sĩ, dòng sông là nhân chứng của lịch sử, văn hóa, chứng kiến nhiều thăng trầm của quê hương đất nước suốt hơn 4.000 năm. Trong bài Chảy đi sông ơi, ông gắn lên dòng sông nhiều đức tính như "dịu dàng", "hiền hòa", "chung tình", ngụ ý ca ngợi phẩm chất người Việt Nam. Ngoài ra, dòng sông cũng thể hiện tư tưởng của ông về sự tận hiến cho cuộc đời:
"Sông hiến mình tất cả
Ðời sông không hề tiếc vơi đầy
Chảy đi sông ơi
Chảy đi sông ơi"
Dòng sông chảy không ngừng nghỉ, giống như con người làm việc, cống hiến không ngừng. Sinh thời, Phó Đức Phương từng nói ông "khổ sở" suốt đời vì âm nhạc. Không giống nhiều đồng nghiệp thăng hoa khi sáng tác, mỗi khi viết nhạc, ông mất ăn mất ngủ để thai nghén ý tưởng, lúc nào cũng lo sợ không tìm được ý đẹp, chưa chạm được đến cảm xúc tinh tế nhất.
Con sông cũng thể hiện nỗi cô đơn của riêng nhạc sĩ. Khúc hát phiêu ly - ca khúc được ông đặt tên cho liveshow hồi tháng 7 - lấy cảm hứng từ chàng Trương Chi trong truyện cổ tích. Ông từng nói: "Tôi thương Trương Chi, viết cho nhân vật cũng là viết cho chính mình. Trương Chi có giọng hát khiến Mị Nương tương tư nhưng vì xấu xí mà không có được tình yêu của nàng. Anh ta đau khổ nhưng vẫn kiêu hãnh, vẫn một mình lênh đênh ca hát giữa dòng sông".
"Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi ứ hừ ư hừ
Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly
Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì đàn làm chi cho vật vã hát kinh"
Ông nói mình giống Trương Chi bởi làm gì cũng dở dang, chuyện tình cảm không được như ý muốn. Nhạc sĩ kể mình từng nhiều lần thất bại trong chuyện yêu đương.
Thời gian trị bệnh, ông giữ tinh thần lạc quan, luôn tin rằng mình sẽ chữa khỏi. Vì thế, ông không để lại tâm nguyện gì. Trong một lần nói chuyện với các con, ông chỉ nói vu vơ muốn ca khúc Cùng một con đò vang lên trong tang lễ của mình sau này. Bài hát là chiêm nghiệm của ông về kiếp nhân sinh.
"Gánh nặng nhân gian nặng đầy vai
Bánh xe luân trầm đâu chừa ai
Một ngày, một tháng, một năm
Một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ
Nắng soi cái tổ tò vò
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi"
Nhạc sĩ sáng tác ca khúc khi còn khỏe mạnh. Thế nhưng, ông gửi gắm suy nghĩ về cái chết, "bánh xe luân trầm" của dương gian, qua hình ảnh "một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ". Hình ảnh con đò hiện lên bình thản, lặng lẽ trong tác phẩm. Nhạc sĩ đã đi chuyến đò của kiếp nhân sinh, qua nhiều trầm luân cuộc đời sang thế giới bên kia.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hà Nội, quê gốc Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận xét âm nhạc của ông đậm đặc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Hà Thu